A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

QPTĐ- Đào tạo nghề cho người lao động đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Chính vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa mới ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về "Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”. Chỉ thị mới được ban hành trong bối cảnh tổng kết 10 năm thực hiện yêu cầu đổi mới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI.

 

Người dân xã HNol huyện Đak Đoa tỉnh Gia Lai học nghề sửa chữa máy nổ và máy cày công suất nhỏ.  

 Ảnh: Internet

Sau 10 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 19-CT/TW nhằm “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề. Trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề. Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề gắn với cơ hội việc làm

Nhiệm vụ trọng tâm trong đào tạo nghề là xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030; tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo. Lao động nông thôn còn bị hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt trong nông thôn. Các ngành kinh tế đô thị phát triển không dựa trên mối liên hệ với nông thôn, trong khi khu vực nông thôn lại không đủ điều kiện để phát triển các ngành chế biến và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp. Đối với lao động nông thôn, con đường ra đô thị vừa dễ ra, song khó hội nhập.

Các quốc gia hiện rất coi trọng xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp ở vùng nông thôn. Nhật Bản đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn, triển khai các chính sách, kế hoạch và quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn sau đó lan tỏa về nông thôn. Thái Lan dành rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đầu tư ở nông thôn. Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp vùng nông thôn, như ban hành “Luật Phát triển công nghiệp địa phương”, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở khu vực thành thị về vùng nông thôn. Việt Nam có thể áp dụng chiến lược toàn diện quốc gia về phát triển việc làm, phát triển việc làm phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề mới khi đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp.

Đào tạo nghề coi trọng thực hành, ứng dụng khoa học-công nghệ

Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học.

Cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Người lao động không chỉ được đào tạo về tay nghề mà còn cả kỹ năng ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề tại chỗ, đáp ứng nhu cầu kế thừa ở các làng nghề truyền thống, và cả cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đào tạo nghề cho người lao động nông thôn cần chú trọng tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo nghề cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, ban hành chính sách đào tạo nghề

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.

Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030.

SONG HÀ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ