A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Chìa khóa” hóa giải bài toán sinh hoạt Đảng ở chi bộ đông đảng viên

​​​​​​​Bài 3: Những vấn đề đặt ra cần được thống nhất để thực hiện

QPTĐ-Việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Sinh hoạt theo tổ Đảng” ở các chi bộ đặc thù đông đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội, bước đầu ghi nhận có nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, thì vẫn còn có các quan điểm đánh giá về tính hiệu quả khác nhau. Do đó, cần có sự thống nhất để thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở những chi bộ đông đảng viên hiện nay.

 Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Mô hình “Sinh hoạt theo tổ Đảng” ở những chi bộ đặc thù đông đảng viên không chỉ giúp chi bộ giải quyết được bài toán “thiếu địa điểm” sinh hoạt, khắc phục được tình trạng đảng viên bị phân tán do phụ thuộc thời gian công việc, mà còn góp phần làm tăng tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của các đảng viên, cấp ủy lĩnh hội được nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho chi bộ. Nhưng qua khảo sát thực tế, một số Bí thư cấp ủy lại cho rằng “mô hình” này chỉ phù hợp với từng thời điểm đặc biệt như trong dịch bệnh Covid-19 tránh tập trung đông người, hoặc chỉ áp dụng với chi bộ không có hội trường, thiếu địa điểm để sinh hoạt. Còn bình thường vẫn cần sinh hoạt toàn thể chi bộ thì tốt hơn, lý giải vấn đề ngày, đồng chí Lê Ngọc Thi, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 28, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết: “Trình độ nhận thức, khả năng diễn đạt của các tổ trưởng tổ đảng khác nhau, nên chất lượng truyền tải nội dung trong sinh hoạt tổ đảng cũng khác nhau, đấy là chưa kể đến có khi bị “tam sao thất bản” hoặc không truyền tải hết, đảng viên không lĩnh hội đầy đủ được nội dung thì chất lượng đóng góp ý kiến sẽ không “đúng, trúng”, không hiệu quả. Hơn nữa công việc của cấp ủy tăng nhiều, ví như quy trình ra nghị quyết của chi bộ, sau khi cấp ủy chuẩn bị xong dự thảo, thì phải triệu tập họp chi ủy để quán triệt, triển khai cho các tổ đảng sinh hoạt, khi tổ đảng sinh hoạt xong, thì chi ủy mới họp để ra nghị quyết. Như vậy, để ra được nghị quyết, chi ủy chi bộ phải có ba cuộc họp, cùng với đó là tài liệu sao chép, in ấn tăng lên do đầu mối tăng, trong khi kinh phí bảo đảm hoạt động của chi bộ có hạn, chế độ phụ cấp, đãi ngộ còn thấp”. Cùng chung quan điểm này, đồng chí Phạm Mai Trang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Nếu chỉ sinh hoạt tổ Đảng, tính đoàn kết gắn bó của các đảng viên trong chi bộ sẽ giảm, mà tăng tính cục bộ, thiên vị lên. Vì sắp xếp đảng viên sinh hoạt tổ Đảng theo địa bàn sinh sống, nên khi sinh hoạt họ chỉ biết đóng góp ý kiến tại nơi ở, mà không biết tình hình ở tổ Đảng khác. Nên sinh hoạt ở tổ Đảng sẽ nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều, làm cho chi ủy phải thường xuyên thống nhất lại ý kiến đóng góp rồi gửi xin lại ý kiến các đảng viên, những công việc bình thường có thể thực hiện như thế được, nếu cần giải quyết những công việc đột xuất thì không xử lý được, không phù hợp”.

Sinh hoạt theo tổ Đảng ở chi bộ đặc thù đông đảng viên của phường Vĩnh Tuy.

Tuy nhiên, đánh giá về tính hiệu quả của mô hình “sinh hoạt theo tổ Đảng” theo đồng chí Lưu Văn Đức, Bí thư Chi bộ thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh lại cho rằng: “Chi bộ đông đảng viên, có khi lên đến gần 300 đảng viên như ở địa phương hiện nay, thì việc nắm, quản lý tình hình tư tưởng đảng viên là rất khó khăn, nếu chi bộ mà không nắm, quản lý, giáo dục đảng viên tốt thì rất nguy hiểm. Chính sinh hoạt theo tổ Đảng đã làm tốt được việc này, đồng thời giúp chi bộ giải quyết được nhiều khó khăn, bức xúc của nhân dân ngay trên địa bàn các đảng viên của tổ Đảng sinh sống, vì đảng viên nắm dư luận nhân dân nhanh hơn, hiểu thực tế sâu hơn và dân chủ trong sinh hoạt được phát huy tốt hơn. Do đó, để sinh hoạt đảng có chất lượng thì cần áp dụng linh hoạt các hình thức, trong đó có sinh hoạt theo tổ Đảng”. Còn theo PGS. TS Trần Trọng Phương, Bí thư Chi bộ khoa Tài nguyên và Môi trường, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Nếu không sinh hoạt tổ Đảng, chi bộ đông đang viên sẽ khó khăn với việc phát huy năng lực, sở trường của từng đảng viên và khuyến khích đảng viên phát biểu ý kiến trong sinh hoạt. Hơn nữa sẽ rất khó khăn trong việc bình xét, phân loại đảng viên cuối năm. Vì việc bình xét cho mỗi đảng viên đều phải thực hiện các bước tuần tự theo quy định sẽ mất rất nhiều thời gian nên khó tránh việc qua loa, hình thức, rất khó kỹ lưỡng, toàn diện. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức rèn luyện, phấn đấu của đảng viên và chất lượng sinh hoạt đảng của chi bộ”.

Những đề xuất kiến nghị

Đồng chí Lê Huy Khôi, Bí thư Chi bộ 17, khu đô thị Times City, phường Vĩnh Tuy, 
quận Hai Bà Trưng chuẩn bị dự thảo nghị quyết của chi bộ.

Theo quy định của Điều lệ Đảng thì các khu dân cư, xóm, tổ dân phố không thể thành lập được Đảng bộ; 1 xóm, tổ dân phố, khu dân cư không được phép thành lập nhiều hơn 1 chi bộ. Vì vậy mô hình “sinh hoạt theo tổ Đảng” rất phù hợp với chi bộ quá đông đảng viên. Hiện nay các chi bộ đang thực hiện nguyên tắc sinh hoạt theo Hướng dẫn số 03 là, Đảng bộ cơ sở có tính chất đặc thù được áp dụng sinh hoạt trực tuyến không quá 1 lần trong năm; chi bộ có tính chất đặc thù được áp dụng không quá 3 lần trong năm. Chi bộ thí điểm sinh hoạt đảng theo tổ đảng thay cho sinh hoạt toàn thể chi bộ được áp dụng không quá 3 lần trong năm; trước khi tổ chức sinh hoạt theo tổ Đảng, chi ủy phải họp để thống nhất nội dung; sau đó chi ủy viên phải dự họp ở các tổ Đảng rồi mới tổ chức họp chi ủy một lần nữa (có thể mời thêm Tổ trưởng tổ Đảng không là chi ủy viên) để ra nghị quyết chi bộ. Những nội dung không thực hiện trong thí điểm sinh hoạt đảng theo tổ đảng, gồm công tác tổ chức và cán bộ; xét kết nạp đảng viên, chuyển đảng chính thức, quyết định xoá tên đảng viên, xem xét cho đảng viên xin ra khỏi Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; thi đua, khen thưởng; rà soát, phát hiện, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các vấn đề thuộc bí mật theo quy định của Đảng, Nhà nước; các nội dung liên quan đến bỏ phiếu kín; kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và quyết định các chủ trương lớn, quan trọng. Nhưng qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cũng như các ý kiến phản hồi từ cán bộ, đảng viên ở cơ sở cho thấy, đa phần các ý kiến đều đề nghị nên “tăng” sinh hoạt theo tổ Đảng, cụ thể là “sinh hoạt theo tổ Đảng” được tổ chức một quý một lần, thời gian sinh hoạt là vào tháng cuối quý, đảng viên Nguyễn Thị Mĩ Hạnh, Tổ trưởng tổ Đảng 3, Chi bộ Tổ dân phố số 28, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết: “Trong hướng dẫn chỉ quy định một năm không sinh hoạt quá 3 lần theo tổ Đảng, nhưng không quy định cụ thể là thời điểm nào được sinh hoạt tổ Đảng trong năm, nên muốn sinh hoạt được chi bộ phải xây dựng lịch sinh hoạt và thời gian sinh hoạt của các chi bộ sẽ không thống nhất. Nên tôi đề nghị, “sinh hoạt theo tổ Đảng” được tổ chức một quý một lần, thời gian sinh hoạt là vào tháng cuối quý, như vậy sẽ khắc phục được tính biệt lập của các đảng viên, tăng cường tính đoàn kết nội bộ trong chi bộ”. Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Nhạ, Tổ trưởng tổ Đảng 5, Chi bộ khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Việc áp dụng thí điểm sinh hoạt tổ Đảng thay cho sinh hoạt chi bộ không được phép thực hiện như xét công nhận cảm tình Đảng, kết nạp đảng viên, công nhận đảng chính thức; đề nghị xóa tên đảng viên, đề nghị cho ra khỏi Đảng; thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng việc phân tích đánh giá chất lượng đảng viên trong năm, nên đưa vào sinh hoạt theo tổ Đảng sẽ sâu kỹ hơn”. Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, hiện nay toàn Thành phố đã có hơn hai trăm chi bộ thuộc 22 đảng bộ thí điểm tổ chức sinh hoạt theo tổ Đảng. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng đủ để đánh giá nhiều chiều, bảo đảm tính phổ quát của việc thí điểm mô hình sinh hoạt tổ Đảng.

Đồng chí Nguyễn Tạ Tấn, Bí thư Đảng ủy phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Thực tiễn đã chứng minh nơi nào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Đảng lỏng lẻo hoặc không có nội dung chính trị tư tưởng cụ thể, thiết thực, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời khắc phục sửa chữa khuyết điểm, buông lỏng vai trò lãnh đạo, đảng viên thiếu rèn luyện thì nơi đó chất lượng hoạt động của chi ủy, chi bộ kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không còn. Để nâng cao chất lượng “sinh hoạt tổ Đảng” đối với các chi bộ đông đảng viên, theo đồng chí Trịnh Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Ở các chi bộ khu dân cư đông đảng viên thường sẽ nhiều thành phần, từ người lao động đến đoàn viên thanh niên, cán bộ hưu trí; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị khác nhau cũng tạo ra những vướng mắc trong sinh hoạt chi bộ. Nên ngoài việc quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng cho đội ngũ cấp ủy thì tôi nghĩ cần quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cấp ủy, tổ trưởng tổ Đảng. Yêu cầu công tác Đảng, đảng vụ ngày càng cao; nhiệm vụ của các chi bộ ngày càng nặng nề; nhiều tổ Đảng đông đảng viên, nhiệm vụ của đồng chí tổ trưởng tổ Đảng cũng như bí thư chi bộ ngày càng nặng nề. Do đó cần có chế độ, chính sách kịp thời khích lệ, động viên đội ngũ cấp ủy, tổ trưởng tổ Đảng ở những chi bộ đông đảng viên để họ phấn khởi, có thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ khi đội ngũ cấp ủy vững mạnh thì chi bộ mới vững mạnh được”.

Nguyễn Văn Tuân

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ