A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

AI và HRW lại can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam

 

QPTĐ-Nhiều năm qua, dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền, một số tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí với Việt Nam đã có những đánh giá phiến diện, bóp méo sự thật, có tính chất kích động, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các tổ chức này được các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị tung hô như là cứu cánh của tự do, dân chủ, nhân quyền. Và bất chấp sự bác bỏ, phản đối của Việt Nam, phải đối diện rất nhiều ý kiến phê phán của chính giới và báo chí, nhưng đến nay, các tổ chức này vẫn chưa từ bỏ hành vi sai trái, thiếu thiện chí và mục đích đen tối này. Điển hình là tổ chức “Ân xá quốc tế” (AI-Amnesty International)  và Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW-Human Rights Watch).

 

 

AI và HRW đã nhiều lần can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.


Mới đây nhất, ngày 27-11, hai tổ chức trên (AI và HRW) đã phát đi một thông cáo có tính chất xuyên tạc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Cụ thể trong thông báo này, hai tổ chức AI và HRW vu cáo và yêu cầu, kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay chiến dịch đe dọa, trấn áp một nhà xuất bản độc lập là “Nhà xuất bản Tự do”, yêu cầu cho phép nhà xuất bản này và những người có liên quan được thực hiện quyền tự do ngôn luận. AI và HRW xuyên tạc rằng “việc đàn áp đối với Nhà Xuất bản Tự do chính là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và truy cập thông tin, thể hiện sự không khoan nhượng của nhà cầm quyền cộng sản đối với giới bất đồng chính kiến”. Theo AI và HRW: “Nhà xuất bản Tự do đã in nhiều cuốn sách phục vụ mục đích khai dân trí, với nhiều đầu sách về tự do, dân chủ và nhân quyền. Lực lượng an ninh Việt Nam theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến nhà xuất bản này, truy tìm những tác giả đầu sách như Phạm Đoan Trang hay bắt giữ người giao sách hoặc triệu tập người mua sách lên đồn công an để dọa nạt. Hàng chục người đã bị hạch sách, đàn áp, đánh đập và tra khảo nhiều lần”...


Nhà xuất bản độc lập mà hai tổ chức này nói đến có tên là “Nhà xuất bản Tự do”, đã in ấn, xuất bản chui nhiều cuốn sách của một trong những đối tượng cầm đầu núp bóng “xã hội dân sự” Phạm Đoan Trang, như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”… Đây thực chất là những tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc thể chế chính trị, Đảng, Nhà nước, tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam.


Ở Việt Nam, các quyền về con người trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp, đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Xuất bản năm 2012, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018...


Đối với vấn đề xuất bản, Luật Xuất bản (2012) quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền. Khoản 10, Luật Xuất bản cũng quy định những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, bao gồm: Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền kích động bạo lực…; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nghiêm cấm: Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm; phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu; xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép...


Như vậy, tổ chức gọi là “Nhà xuất bản Tự do” vi phạm tất cả các quy định trên của pháp luật Việt Nam. Đây thực chất là công cụ, tổ chức của nhóm hoạt động đội lốt “xã hội dân sự”. Nguy hiểm hơn, tổ chức này còn tàng trữ, tán phát các tài liệu có nội dung vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, ra sức tuyên truyền, cổ xúy cho dân chủ kiểu tư sản phương Tây; tuyên truyền xuyên tạc, phát tán tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện các hoạt động bảo kê, dung dưỡng, cổ xúy, kích động cho các đối tượng chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương pháp phi bạo động.


Vậy mà, phớt lờ các quy định của Việt Nam, hai tổ chức AI và HRW lại cổ xúy cho các hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật của “Nhà xuất bản Tự do”. Đây rõ ràng là hành động vu cáo, xuyên tạc trắng trợn về dân chủ, nhân quyền và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.


Cũng cần thấy rằng, nhiều năm qua, AI và HRW luôn có cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện chí đối với Việt Nam. Và mỗi khi các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ hay xét xử một số đối tượng với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc", hoặc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" HRW và AI lại nhanh chóng ra thông cáo báo chí chỉ trích, lên án, yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức và vô điều kiện các đối tượng này... Từ đó có thể thấy, tự do, dân chủ, nhân quyền thực chất chỉ là bình phong, là nhãn hiệu của AI và HRW để các tổ chức này tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.


Đức Phương

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ