A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với âm mưu phá hoại chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

 

QPTĐ-Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, tiến trình này của Việt Nam đã, đang đạt nhiều kết quả hết sức to lớn. Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, năm 2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một thành viên đã chính thức có hiệu lực. Nhờ hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cùng với các lĩnh vực khác của xã hội. Năm 2018, tổng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) đạt hơn 25,6 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 482 tỷ USD, trong đó xuất siêu 6 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua.

 

 

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội, facebook cá nhân xuất hiện những quan điểm sai trái, thù địch của một số người tự xưng là “người yêu nước”, “nhà dân chủ”, “học giả”... dưới các hình thức “lời kêu gọi”, “tư vấn”, “phản biện”, “kiến nghị” “góp ý”... nhằm phê phán, bác bỏ đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.  Một số phần tử phản động, cơ hội chính trị thổi phồng, bóp méo thông tin về những khó khăn của kinh tế Việt Nam nhằm làm rối loạn xã hội và hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc tung tin thất thiệt về các cán cân kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính-tiền tệ.

 

Một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tìm cách cản trở các đối tác đã, đang và sẽ đến đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, khoa học và kỹ thuật với Việt Nam vì mục đích hòa bình và thịnh vượng. Thông qua các báo cáo xuyên tạc, bịa đặt về tình hình “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “tự do ngôn luận, báo chí” của Việt Nam để gây áp lực nhằm hạn chế các hoạt động hợp tác, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, công nghệ cho Việt Nam. Gần đây nhất, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức tìm cách phá hoại Hiệp định Thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA).


Sau hơn 6 năm kể từ khi chính thức khởi động đàm phán (6-2012), đến nay EVFTA chuẩn bị hoàn tất những thủ tục cuối cùng. Trải qua 14 phiên đàm phán, ngày 4-8-2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA. Tháng 6-2018, hai bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định thương mại. Ngày 17-10-2018, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để EVFTA chính thức có hiệu lực và thực hiện trong thực tiễn. Thế nhưng, trong khi các bên đang rất nỗ lực, trách nhiệm cao để EVFTA được hoàn tất, đem lại lợi ích thiết thực thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lại gia tăng các hình thức chống phá, ngăn cản. Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) kêu gọi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt EVFTA “cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền”.


Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm, thúc đẩy quyền con người phù hợp với hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Thực tiễn cuộc sống, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được rất nhiều thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu này là bằng chứng hùng hồn, sinh động khẳng định Việt Nam rất tiến bộ, đảm bảo nhân quyền trong mục tiêu chung xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Rõ ràng, HRV đã xuyên tạc về tình hình nhân quyền của Việt Nam, lấy đó làm lý do để ngăn cản, phá hoại đường lối hội nhập kinh tế, công cuộc đổi mới của Việt Nam nói chung, phá hoại EVFTA nói riêng. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính tất yếu khách quan của việc hội nhập kinh tế quốc tế; âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề này để “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Đồng thời, chúng ta cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu, tổ chức quốc tế cần có nhìn nhận toàn diện, đánh giá khách quan về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, sớm thông qua EVFTA đem lại lợi ích kinh tế cho cả Việt Nam và cộng đồng Liên minh châu Âu.


Anh Tuấn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ