A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với luận điệu “cải cách chính trị”

 

QPTĐ-Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu một số vấn đề có tính chất gợi mở để các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng quan tâm nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến. Trong đó Tổng Bí thư đặt ra những câu hỏi: “Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó”. Có thể nói, đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng, cốt lõi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

 

 

Cảnh giác với những thông tin xuyên tạc tình hình đất nước.

 

Gần như ngay lập tức, trên một số trang mạng, tài khoản cá nhân, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại đăng tải, phát sóng nhiều tin, bài đặt ra vấn đề “Cải cách chính trị”, “Thay đổi thể chế chính trị”. Các bài viết này ra vẻ như phân tích, bình luận, góp ý nhưng thực chất là xuyên tạc tình hình đất nước, hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. 


Trong bài viết “Bàn về cải cách chính trị”, đăng tải trên trang mạng boxitvn.net gần đây của Nguyễn Đình Cống đã xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Bàn về cải cách và suy diễn chủ quan là giọng điệu xuyên tạc với dụng ý xấu của Nguyễn Đình Cống khi cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam rất thích dùng từ “đổi mới”, trong khi có nhiều việc thực ra là sửa sai. Với nền chính trị của Việt Nam hiện nay nên dùng từ cải cách có lẽ sát đúng hơn”. Hay trong bài “Việt Nam lại đứng trước ngưỡng đổi mới hay là chết” của Tô Văn Trường cũng xuyên tạc: “Lâu nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, rất ít người công khai đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế chính trị. Chính trị nói ở đây gồm cả đường lối phát triển đất nước và đường lối quản trị quốc gia. Trong hàng chục năm qua, Đảng lãnh đạo đã phạm quá nhiều sai lầm ở cả hai mặt này”; “Với hiện trạng kinh tế-xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước phải căng hết sức cho công cuộc "đốt lò" thì còn đâu sức cho phát triển?”... Ngoài ra còn một loạt các bài viết khác như: “Liệu Đại hội Đảng XIII có khác biệt...”, “Ba câu hỏi, nhiều thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng”... 


Sau khi phân tích, lập luận với những luận điệu xuyên tạc, chứng cứ mơ hồ, chúng đưa ra những kết luận, góp ý, đề xuất như: “Có thể nói đã đến lúc không còn đường lùi. Bộ máy Nhà nước dù do đảng kiểu nào lãnh đạo mà không ngăn chặn được suy thoái thì nhất thiết sẽ dẫn đến thay đổi thể chế chính trị, mà sự thay đổi bằng xung đột chính trị thường gây tổn thương lớn cho nhân dân và đất nước (như trường hợp Ukraine). Nếu không đổi mới chính trị thì không giải quyết được nạn tham nhũng, tệ con ông cháu cha, tệ tư bản thân hữu, doanh nghiệp sân sau… không chọn lựa được những người con ưu tú nhất của dân tộc vào các vị trí lãnh đạo. Vì vậy, Đại hội Đảng khóa XIII phải khởi động cuộc cải cách chính trị như nhiều người tâm huyết với đất nước kiến nghị để tránh xung đột xã hội”. Hay: “Việc quan trọng tiếp theo nhưng cũng nên làm ngay là chuyển từ một đảng lãnh đạo cách mạng và nắm giữ chính quyền theo lối toàn trị thành một đảng chính trị cầm quyền”. Có thể thấy, bản chất và mục đích thật sự của những đề xuất, kiến nghị đó rõ ràng là phục vụ âm mưu của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện “đa nguyên chính trị”, đòi chuyển hóa thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang mô hình xã hội theo kiểu phương Tây.


Vấn đề đổi mới chính trị đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa XI, năm 2015 như sau: “Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”.


Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phê phán những giọng điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, những âm mưu, hoạt động gây hoài nghi, lôi kéo, kích động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của những phần tử thù địch, cơ hội chính trị trên các trang mạng xã hội làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.


Hà Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ