A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đập tan mọi luận điệu xuyên tạc

 

QPTĐ-Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử phản động cơ hội chính trị không ngừng xuyên tạc, phủ nhận những thành quả cách mạng của nhân dân ta nhằm hạ thấp uy tín vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế ngày càng nhiều và Việt Nam trở thành điểm đến an toàn lý tưởng của bạn bè thế giới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới, phát triển đất nước, chính sách đối ngoại tích cực của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch.

 

 

Họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Ảnh: Internet


Một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là xuyên tạc, phủ nhận những thành quả của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo. Chúng tập trung xuyên tạc vị thế lãnh đạo của Đảng, khi cho rằng “chế độ một đảng lãnh đạo chỉ đưa dân tộc đến ngõ cụt". Trên một số trang mạng xã hội, chúng rêu rao rằng “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ngày càng lún sâu vào xu thế lụi bại, tụt dốc không phanh”. Chúng xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cho rằng “Đó là sự bế tắc của những người cộng sản”. Mặt khác, chúng xuyên tạc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, gắn với chủ trương “Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không đi với nước này để chống nước kia”. Chúng cho rằng “đường lối trung dung này tự cô lập Việt Nam, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Xuyên tạc những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, họ cố bịa đặt: “Đất nước đang lâm vào khủng hoảng toàn diện”.


Không khó để nhận ra, mục đích của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị là gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin ở cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ chính trị hiện nay; qua đó, hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.


Thực tế, những năm qua, đặc biệt là năm 2019, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao... Chúng ta đã thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam đã chính thức ký với Liên minh châu Âu Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

 

Cùng với những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ kiến tạo, việc triển khai và tham gia các FTA quan trọng này đã tạo ra những động lực mới cho phát triển, đổi mới thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018 lên vị trí 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. IMF đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Việt Nam cũng lần đầu tiên tham gia diễn tập hàng hải chung trong khuôn khổ ASEAN với Mỹ; ký Hiệp định khung về tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA); gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế. Chúng ta đã cử bệnh viện dã chiến cấp II thứ hai tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.


Bước sang năm 2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Với việc cùng lúc đảm nhận hai trọng trách ở tổ chức quốc tế và khu vực thể hiện vị thế, uy tín, khả năng, năng lực của Việt Nam trong đối ngoại đa phương ngày càng được nâng cao.


Trong Thông điệp nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với thế và lực mới của đất nước sau gần 35 năm đổi mới; với sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; với sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của các nước ASEAN, bạn bè và cộng đồng quốc tế, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.


Với việc lần đầu tiên cùng lúc đảm đương đồng thời 2 trọng trách khu vực và quốc tế có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam. Đó là cơ hội để chúng ta đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; là dịp để chúng ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời đây cũng là sự khẳng định đanh thép về vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đập tan mọi luận điệu của các thế lực thù địch.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ