Lương y tận tâm với người bệnh
Con người ta khi sinh ra hai bàn tay trắng, mai về với đất lại trắng hai tay, sống ở trên đời đừng tham con nhé-Tâm niệm lời dạy của mẹ, những năm qua, ngoài việc dùng nghề của mình để cứu chữa người bệnh, tôi luôn gắng hết sức làm thiện nguyện, khám bệnh, tặng quà và nhà tình nghĩa cho những cựu chiến binh và những người không may mắn như mình- đó là chia sẻ của Cựu chiến binh (CCB) Tạ Quang Hải, hay còn có danh xưng Lương y Nam Hải, huyện Quốc Oai.
CCB Tạ Quang Hải (ngồi giữa) tại buổi Giao lưu, biểu dương tập thể, cá nhân CCB, thương binh gương mẫu tiêu biểu
trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Hội CCB Hà Nội tổ chức.
Được biết, năm nay Lương y Nam Hải đã gần 80 tuổi, độ tuổi mà nhiều người hay nghĩ đến việc an nhàn hưởng thụ tuổi già. Thế nhưng ông vẫn rất nặng lòng với sự nghiệp cứu chữa người bệnh và tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện.
Lương y Nam Hải sinh năm 1939, năm 21 tuổi khi đang công tác tại Bệnh viện huyện Quốc Oai, nghe theo tiếng gọi của non sông, ông lên đường nhập ngũ. Ông nhớ: “Một lần tôi được gặp Bác Hồ. Hôm đó, Bác nói: Chưa có độc thì phòng độc, có độc thì chống độc, nhiễm độc thì giải độc. Điều đó cho thấy Bác Hồ đã dự đoán Mỹ nhất định rải chất độc tại miền Nam, Việt Nam và là một bác sĩ, nhiệm vụ giải độc là trên hết”. Quá trình công tác tại chiến trường, nhận thấy ông là người có kiến thức, có kinh nghiệm và đặc biệt là tâm huyết với nghề nên năm 1965, khi đang là Đại uý-Bác sỹ quân y của đơn vị 361, ông đã được cấp trên tạo điều kiện cho sang Trung Quốc học chữa bệnh, sau đó về chiến trường tiếp tục điều trị cho đồng chí, đồng đội. Chữa bệnh theo thuyết âm-dương cũng đến với ông từ đó.
Lương y Nam Hải kể, Tết Mậu Thân năm 1968, trong một chuyến công tác, đơn vị ông bị địch phục kích, ông chạy vào chùa Thiên Mụ và được Thiền sư Thích Đôn Hậu giải cứu. Khi chia tay, vị Thiền sư rất giỏi thuốc Nam dặn: “Trời là cha, đất là mẹ. Trời sinh ra con người ắt sinh ra bệnh tật. Trái đất này sẽ sinh ra cây thuốc chữa bệnh cho con người. Chẳng có bệnh nào là vô phương cứu chữa, mà chỉ do học chưa thấu đáo mà thôi”. Lời của vị Thiền sư càng củng cố quyết tâm đi tìm các vị thuốc quý chữa bệnh hiểm nghèo. Lương Y Nam Hải nhớ lại: “Chứng kiến cảnh tàn phá, hủy diệt của kẻ thù mà đặc biệt là việc rải chất độc da cam của Mỹ xuống chiến trường miền Nam, Việt Nam, hầu hết cây cỏ nhiễm độc đều cháy xém nhưng trong số đó có một số loài vẫn xanh tốt, những loài côn trùng như châu chấu, sâu bọ ăn loài cây này cũng không chết. Điều đó khiến tôi tin rằng, chúng có thể chống lại chất độc thì sẽ dùng để chữa trị được bệnh. Bản thân thử nghiệm trước, sau đó khi thấy đồng đội nhiễm độc, bị lở loét toàn thân, tôi lấy lá cây đun nước cho đồng đội tắm và quả thực bệnh rất mau hồi phục. Sau này thấy tù binh bị gan, lá lách to, tôi cũng dùng loại cây đó cho uống, bệnh theo đó cũng được rút nhanh chóng… Tất cả những thử nghiệm càng cho tôi khẳng định chắc chắn, cách chữa bệnh hiệu nghiệm từ những loài cây này. Những cây, cỏ có khả năng hồi sinh sớm nhất trong vùng bị rải chất độc hóa học cũng được tôi chú ý, nghiên cứu để chế thuốc tăng hồng cầu”.
Sau này khi phục viên, không tự hài lòng với những kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông vẫn tiếp tục mang muối lên Sơn La, Lai Châu và dọc dãy Hoàng Liên Sơn đổi lấy những bài thuốc quý. Khi có nhiều bài thuốc trị bệnh, ông trở về quyết định mở phòng khám cho người dân nghèo tại địa phương. Thấy kết quả tốt, người nọ truyền tai người kia lần lượt kéo đến nhờ thầy cứu chữa. Hiện trung bình mỗi ngày, phòng khám của ông đón từ 100-200 bệnh nhân đến từ mọi miền Tổ quốc, thậm chí có cả người nước ngoài. Trong phòng khám của ông luôn có “3 không”: Bệnh nhân không kể bệnh, thầy thuốc không hỏi bệnh và không xem tài liệu phim, vì kết quả chiếu chụp là đúng nhưng chỉ đúng ở thời điểm chụp và trong vòng 3 ngày, ngoài thời gian đó, mọi thứ đã thay đổi. Điều mọi người đặc biệt quan tâm còn là khả năng điều trị bệnh ung thư máu của ông. Thang thuốc cắt cho người bệnh dù nặng hay nhẹ chỉ 15.000 đồng. Người bệnh chỉ cần sắc, hãm vào phích uống như trà.
Dường như phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ luôn là hành trang để người cựu chiến binh, thầy thuốc Tạ Quang Hải mang theo, ngay cả khi tuổi đã cao, sức yếu. Ghi nhận những đóng góp ấy, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017 cho ông vì có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Hiền Mỹ