A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý chí người chiến sĩ cộng sản trong chốn lao tù

QPTĐ- Đúng như lời nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Sống trong tù kiên trung bất khuất. Sống ngoài đời tình nghĩa thuỷ chung”, những  chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại Phú Quốc khi còn trong lao tù thì luôn kiên trung, bất khuất, chiến thắng kẻ thù bằng tay không và lòng dũng cảm, khi trở về thì  tình nghĩa thuỷ chung, ấm tình đồng chí, đồng đội.

Các chiến sĩ bị địch bắt tù đày sống lại ký ức những ngày kiên trung, bất khuất

đấu tranh ngay chốn lao tù của tay sai, đế quốc.

Thực hiện điều khoản trao trả tù binh sau khi ký Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973, hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại nhà tù Phú Quốc đã được trao trả tự do. Ngày trở về đã trở thành sự kiện quan trọng, không thể phai mờ trong ký ức của các chiến sĩ. Mặc dù 50 năm đã trôi qua nhưng ông Trần Huy Tấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc-thành phố Hà Nội vẫn còn nhớ như in ngày được trao trả vào tháng 3 năm 1973 bên bờ sông Thạch Hãn lịch sử. Ông bùi ngùi xúc động kể lại: “Chúng tôi được đưa tới bờ sông Thạch Hãn. Bên kia sông là cờ đỏ sao vàng. Lúc đó, chúng tôi được trao trả hết ở vị trí giữa sông. Lúc bấy giờ, tôi bị thương và nằm trên cáng. Đồng đội của tôi đã ào xuống sông, đưa tôi lên tới bờ. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của những người con được trở về với Đảng, với Tổ quốc”.

Trong số hơn 42.000 hội viên chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc, phần lớn là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ dân chính đảng. Các chiến sĩ cộng sản Việt Nam phải chịu nhiều cực hình tra tấn tàn bạo, dã man, không khác thời trung cổ như đóng đinh vào chân, vào tai, đầu, đốt dây kẽm gai cháy đỏ đâm vào da thịt… Sự tàn khốc ở chốn lao tù đã khiến hơn 4.000 chiến sĩ anh dũng hy sinh và hàng ngàn chiến sĩ khác bị thương tật.

Ông Kiều Hùng Biện vẫn còn bàng hoàng, đau xót khi chứng kiến tận mắt địch đã đóng 9 cái đinh sắt 5 phân vào thân ông Đặng Thái Lập. Một cái đinh sắt đóng vào thân cây xanh còn héo lá khô cành, huống chi chúng đánh đập tra tấn và đóng ngập cái đinh sắt 5 phân vào thân hình anh thì làm sao sống nổi”- Ông Biện nghẹn ngào.

Còn ông Phạm Quang Lễ cho biết: Trước những cực hình tra tấn dã man, song bằng ý chí và tinh thần nghị lực không chịu khuất phục, các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, cùng nhau học tập, trau dồi kiến thức, giáo dục đạo đức cách mạng, phát triển tổ chức Đảng, Đoàn, hội đồng hương, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, tổ chức vượt ngục… khiến kẻ địch khiếp sợ, nể phục ý chí, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, bền bỉ đấu tranh giữ tròn khí tiết. Những hy sinh thầm lặng, anh dũng của các tù binh Phú Quốc đã góp phần viết lên trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những chiến sĩ cộng sản kiên trung đó giữ vững ý chí chiến đấu góp phần làm nên ngày Đại thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước .

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khâm, Trưởng Ban đại diện Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc-thành phố Hà Nội cho biết, trở về đời thường, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và Thành phố phát động như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh… Nhiều đồng chí được tín nhiệm trong các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, tổ chức đoàn thể nhân dân nơi cư trú như: Bí thư Đảng uỷ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận... Dù ở cương vị nào, các chiến sĩ bị địch bắt tù đày năm xưa luôn tình nghĩa thủy chung, tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh.

Trần Đức


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ