A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh gọn bộ máy - “Cuộc cách mạng” không thể xuyên tạc

QPTĐ-Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị đã liên tục tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước ta. Chúng reo rắc hoang mang, gây tâm lý bất an trong xã hội, kích động tư tưởng chống đối, từ đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Trước những chiêu trò thâm độc ấy, chúng ta phải cảnh giác cao độ, đồng thời kiên quyết vạch trần và đập tan những luận điệu sai trái.

 

Thực tiễn sinh động không thể phủ nhận

Theo kết quả báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng hai bậc về chỉ số GII so với năm 2023. Nhiều chỉ số khác tăng vượt bậc như chỉ số hạnh phúc (tăng 11 bậc), chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (tăng 15 bậc), chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (tăng 08 bậc, đứng thứ 17/194 quốc gia), cho thấy sự thăng hạng ở nhiều lĩnh vực. Cũng năm 2024, GDP cả nước tăng trưởng ước đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), đưa Việt Nam vào nhóm ít các nước tăng trưởng cao trên thế giới; lạm phát dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm... Đây là tiền đề để hoàn thành tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Thực tiễn đã chứng minh, sau gần 40 năm đổi mới, từ nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước, xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Về quy mô nền kinh tế, Việt Nam đứng thứ 34 thế giới, tăng hơn 96 lần so năm 1986. Đời sống người dân cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, các mục tiêu Thiên niên kỷ về đích sớm, tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao. Thế nên, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, diễn ra ngày 1/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra yêu cầu: “Không thể chậm trễ hơn nữa” trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, bởi đây đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết.

Có thể khẳng định chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị được Đảng và Nhà nước ta triển khai với mục tiêu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí “nuôi” bộ máy, dành nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân tốt hơn, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng với thái độ hằn học và âm mưu chống phá, các thế lực thù địch lợi dụng sự thay đổi này để tung tin bịa đặt việc làm này “chỉ là hình thức, mị dân”, không đem lại hiệu quả thực tế mà chỉ gây tốn kém, lãng phí. Với động cơ chính trị đen tối, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc thể chế chính trị ở Việt Nam, cho rằng: Phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam chỉ là khẩu hiệu mị dân”, bình phong che đậy cho việc lợi dụng sai phạm để “thanh trừng nội bộ” trong Đảng; là cách để các “phe nhóm trong Đảng loại bỏ nhau trong cuộc chiến quyền lực”, tinh gọn bộ máy mà thôi?.

Trước hết cần khẳng định rõ, đây là quan điểm hoàn toàn sai trái, là những luận điệu hết sức xảo trá, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, nhằm tác động vào tư tưởng, nhận thức của nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối và các biện pháp đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện mưu đồ thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… từ đó, làm suy yếu niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ đạo, thực hiện theo hướng bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhiều vụ án thậm chí là đại án như: Kitest Covid 19, chuyến bay giải cứu, tham nhũng về kinh tế nghiêm trọng, phức tạp... đã được phát hiện, phanh phui và xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thể hiện rõ quan điểm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Còn thực chất tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã… được hiểu đó không chỉ đơn thuần là vấn đề về con người, về công tác cán bộ nói chung mà còn là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính, điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Vấn đề đặt ra là phải nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương về cấp tỉnh, cấp xã, hay chính quyền đặc khu (hải đảo). Đây cũng là cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, bởi diện cán bộ thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng trong đợt sắp xếp này rất lớn. Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp. Tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.

Phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại

Chắc chắn là khi triển khai chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê quán, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương". Nhưng vì sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới không cho phép chúng ta thỏa mãn dừng lại, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng đến việc trên thế giới đã đi rất nhanh rồi, hình thành những "nhà máy không đèn", "kho hàng không đèn", "công xưởng không đèn", "cảng không đèn"…Họ không cần ánh sáng, làm việc tự động bằng robot, điều hành qua mạng và làm việc suốt ngày đêm. Chúng ta, con người chỉ làm mỗi ngày một ca, nhưng họ làm 3 ca là năng suất đã gấp 3 lần mình rồi. Với sức tăng trưởng đó, của cải xã hội họ tạo ra nhiều, nếu ta không đổi mới, ta sẽ thua. Hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng 2 con số. Bên cạnh đó, chúng ta còn tập trung thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân… tất cả công việc này đều rất quan trọng, yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện, không vì sắp xếp tổ chức mà lơ là nhiệm vụ nào. Đặc biệt, khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo, cán bộ có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng việc sắp xếp tổ chức nên hạn chế tính quyết liệt trong triển khai công việc… Tổng Bí thư nói.

Do đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần phải quán triệt sâu quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm, thực hiện đồng bộ thể chế phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống lãng phí thời gian, lãng phí cơ sở vật chất, lãng phí cơ hội phát triển. Cần chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, trong đó tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số (số hóa, tự động hóa), tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo. Kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Khẩn trương tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng của quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe và lấy ý kiến nhân dân với những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, các xã… đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm sự điều hành thông suốt của Trung ương, gắn với tăng cường tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong quản lý và phát triển, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đổi mới quy trình quyết định về ngân sách Nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với việc giám sát việc thực hiện ngân sách. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết kịp thời các vụ việc dư luận quan tâm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và đơn vị, cản trở cạnh tranh lành mạnh; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định thủ tục, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị làm trung tâm; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh số hóa, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị do Đảng, Nhà nước phát động, đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, hưởng ứng mạnh mẽ, rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây chính là câu trả lời đanh thép phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, vu khống, chống phá của mọi thế lực thù địch.

Hà Đức Lâm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội