A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào truyền thống Đoàn Thanh Xuyên Anh hùng

 

QPTĐ-Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, tháng 8 năm 1954, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 600, đơn vị tiền thân Trung đoàn Bộ binh 692 được thành lập. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1954-2019), từ Tiểu đoàn 12, sau đó phát triển thành Trung đoàn 12-Công an vũ trang, Trung đoàn Bộ binh 692-Đoàn Thanh Xuyên Anh hùng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, lập nhiều chiến công oanh liệt, xây dựng truyền thống vẻ vang “Trung kiên, dũng cảm, luyện giỏi, đánh thắng”.

 

 

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ tại Trung đoàn 692.

 

Năm 1954, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam quyết định thành lập Đại đoàn 350, thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, gồm 3 Trung đoàn trực thuộc: Trung đoàn 600, Trung đoàn 254 và Trung đoàn 53… Trung đoàn 600 (gồm 3 Tiểu đoàn 11, 12 và 13) có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ. Trong đó, Tiểu đoàn 12 làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cùng với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu chính trị, quân sự và giữ vững tình hình an ninh khu vực Hà Nội nói chung. Ngoài ra, Tiểu đoàn còn đảm nhận những nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao như: Duyệt binh, bảo vệ các đoàn của Đảng, Chính phủ đi công tác đường dài, huấn luyện...


Cuối tháng 8 năm 1954, Tiểu đoàn 12 nhận được mật lệnh phối hợp cùng một số đơn vị bạn làm công tác chuẩn bị để bảo vệ, giữ gìn an toàn cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ khi đoàn từ chiến khu về tới Sơn Tây và bảo vệ trên đường đi từ Sơn Tây về Hà Nội. Đây là một vinh dự to lớn đầu tiên của Tiểu đoàn 12.


Về Hà Nội, ngoài việc tiếp nhận những mục tiêu do các đơn vị Sư đoàn 308 bàn giao lại, Tiểu đoàn còn tiếp quản một số cơ sở khác như: Nhà tiền Hà Nội (nay là Nhà máy in Tiến bộ); khu vực Đồn Thủy (nay là số 33 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội)…


Một thời gian sau đó, Tiểu đoàn 12 được Bác Hồ đến thăm. Bác ân cần dặn dò: "Bác cháu ta sống trong gian khổ và kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm lâu ngày đầy rẫy những cảnh sống xa hoa, trụy lạc, đừng sa ngã trước "viên đạn bọc đường" của địch". Bác yêu mến, tin tưởng cán bộ, chiến sĩ đơn vị và đã đặt tên cho Tiểu đoàn 12 là "Đoàn Thanh Xuyên", với ý nghĩa như một thanh gươm báu, thường xuyên được mài dũa, tôi luyện, sẵn sàng hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. 


Ngày 3 tháng 3 năm 1959, Tiểu đoàn 12 tách khỏi Trung đoàn 600, trở thành một tiểu đoàn cơ động độc lập, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Đảng ủy Tiểu đoàn cũng được kiện toàn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương.


Có nhiệm vụ cơ động trên toàn miền Bắc, chi viện cho các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trấn áp kẻ thù. Với nhiệm vụ có tính chất đặc thù và cũng là để đảm bảo bí mật, tên "Đoàn Thanh Xuyên", do Bác Hồ đặt lúc này mới chính thức được sử dụng rộng rãi và là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đại đội 2 được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.


Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 4-2-1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã ra Quyết định thành lập Trung đoàn 12 Công an nhân dân vũ trang trên cơ sở nâng cấp Tiểu đoàn 12-Đoàn Thanh Xuyên. 


Ngày 25 tháng 8 năm 1978, khi Đoàn cán bộ của ta đến thăm hỏi, động viên đồng bào người Hoa, tại cửa khẩu Hữu Nghị quan-km số 0 thì bọn côn đồ xông vào hành hung; trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Trung đoàn đã không quản hiểm nguy, bảo vệ an toàn cho đoàn công tác. Cũng sau đó, Tiểu đoàn 1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; liệt sĩ Lê Đình Chinh được truy tặng Danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân".


Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh xảy ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trong những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều tấm gương dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Gần một tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 đã phát huy được tinh thần "Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh", dũng cảm kiên cường giành nhau với đối phương từng đoạn hào, quyết tâm chặn đứng các đợt tiến công. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 20 tháng 12 năm 1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Sắc lệnh số 188/LCT tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Trung đoàn 12 và 2 cá nhân là liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần và đồng chí Nguyễn Công Thuận. 


Ngày 6-4-1980, Trung đoàn 12 được lệnh tách khỏi lực lượng Công an nhân dân vũ trang chuyển về Quân khu Thủ đô Hà Nội, thay thế Trung đoàn 756 của Sư đoàn 301 đã giải thể. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 3 tháng 10 năm 1980, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 586 chuyển phiên hiệu Trung đoàn 12 thành Trung đoàn Bộ binh 692.


Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 692 đã và đang phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục xây dựng đơn vị có khả năng cơ động chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội Thủ đô Hà Nội-thành phố văn minh, thanh lịch và vì hòa bình.


Trần Hiền-Hoàng Hải


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ