A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu khó bỏ nguồn cung dầu, khí đốt từ Nga?

QPTĐ-Tuần qua, Hungaria và Slovakia đã trình lên Liên minh châu Âu (EU) một thủ tục tham vấn, thuyết phục Ukraine, liên quan đến việc chính quyền Kiev khóa van đường ống dẫn dầu từ Nga sang Đông Âu. Nếu động thái này bất thành, Kiev phớt lờ cảnh báo của 2 quốc gia và Ủy ban châu Âu (EC), hai nước sẽ đưa vụ việc lên Tòa trọng tài quốc tế. “Kiev đã vi phạm thỏa thuận liên kết của nước này với khối 27 thành viên EU”-Ngoại trưởng Hungaria P.Szijarto (22/7) cho biết tại Hội  nghị Ngoại trưởng EU diễn ra cùng ngày tại Brussles.

Một trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba ở Đông Âu.

Ảnh: AFP

Tuyên bố của Hungaria và Slovakia liên quan đến quyết định của Chính phủ Ukraine đưa ra nhằm tăng cường sự trả đũa với Moskva, siết chặt biện pháp cấm vận Công ty Dầu khí Lukoil (nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của Nga), cấm doanh nghiệp này là trung gian chuyển dầu thô qua đường ống dẫn đi qua lãnh thổ Ukraine.

Theo đó, đường ống Druzhba là một trong những đường ống dầu dài nhất thế giới, xây dựng từ thời Liên bang Xô Viết (Nga, Ukraine là nước thành viên), được sử dụng từ năm 1964, trải dài trên mạng lưới 5.500 km, chuyển tải dầu Ural của Liên Xô (nay là Nga) đến các nhà máy lọc dầu ở Ba Lan, Đức, Hungaria, Slovakia, Czech. Trước năm 2022, châu Âu nhập khẩu hơn 40% khí đốt, hơn 30% dầu thô của Nga.

 Đường ống Druzhba chiếm khoảng 50% lưu lượng và các nhà máy lọc dầu của MOL ở Slovakia và Hungaria, do Công ty Lukoil cấp dầu thô. Hằng tháng, có khoảng 1,1 triệu tấn dầu thô của Nga xuất khẩu qua khu vực Nam Druzhba khi đường ống này vẫn hoạt động bình thường, tương đương 250.000 thùng/mỗi ngày. Hungaria và Slovakia nhận tổng cộng 900.000 thùng dầu mỗi tháng từ Nga qua đường ống Druzhba. Hiện, Hungaria vẫn đang nhập khẩu 2 triệu tấn dầu thô, hằng năm từ Nga, chiếm 1/3 tổng lượng nhập khẩu, trong khi Slovakia nhập 2,5 triệu tấn, tương đương với 45% tổng lượng nhập khẩu của nước này.

Thập kỷ qua, sau sự kiện Crimea năm 2014, EU ban hành 14 gói trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có các lệnh cấm vận nhằm vào ngành năng lượng, dầu mỏ, khí đốt, khí hóa lỏng-LNG. Năm qua, EU áp giá trần dầu Nga không quá 60 USD/thùng, cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Gói trừng phạt thứ 14 của EU, ban hành tháng 6/2024 nhằm vào khí đốt, khí hóa lỏng của Nga. Mỹ và phương Tây quyết tâm bao vây cấm vận, triệt hạ nền kinh tế Nga, với hơn 60% nguồn thu ngân sách từ dầu khí (năm 2015 về trước), hiện giảm xuống còn khoảng 35-40%

Tuy nhiên, Hungaria và Slovakia được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt năng lượng của EU. Thủ tướng Hungaria V.Orban là nhà lãnh đạo hiếm hoi thuộc EU liên tục tìm cách phủ quyết hoặc giảm bớt các biện pháp trừng phạt của khối này lên Nga sau sự kiện Crimea năm 2014 và xung đột Ukraine từ tháng 2/2022.

 Ông V.Orban cho biết: Động thái bất thường của Kiev sẽ gây tác động nghiêm trọng tới nguồn thu của hai nhà nước, có thể khiến giá xăng dầu giảm xuống dưới mức trung bình của khu vực, một trong những mục tiêu chính trị quan trọng mà chính phủ đặt ra. Trong khi các Hungaria và Slovakia đều không có nguy cơ gặp phải tình trạng thiếu nhiên liệu với các tuyến đường ống dẫn dầu thay thế, trong đó có tuyến đường qua Croatia sẵn có.

Thủ tướng Slovakia R.Fico-người vừa bị ám sát hụt dạo tháng 5 vừa qua lên tiếng: Lệnh trừng phạt của Ukraine đối với Công ty Lukoil có thể de dọa đến việc Slovakia cung cấp dầu diesel cho chính Ukraine, vốn chiếm 1/10 tổng lượng dầu diessl tiêu thụ của Kiev. Trong khối EU, hai Thủ tướng: Hungaria V.Orban và Slovakia R.Fico, được xem là giữ quan điểm trung lập, không thân Mỹ, bài Nga.

Đáp lại, Ngoại trưởng Ukraine D.Kuleba đã phủ nhận việc Kiev phải chịu trách nhiệm trong vụ Công ty Dầu khí Lukoil bị dừng vận chuyển dầu sang Đông Âu. Kiev viện cớ, sát cánh cùng phương Tây, ủng hộ Mỹ và EU, G7 thực thi cấm vận Nga vì đã phát động chiến tranh “xâm lược Ukraine”, đe dọa an ninh châu Âu.

Chính quyền Kiev cũng sẵn sàng cho kế hoạch kết thúc hợp đồng với Nga về sử dụng đường ống trung chuyển dầu, khí sang châu Âu ngay trong năm 2024. Nếu Nga và Ukraine hủy bỏ tuyến đường ống dầu khí xuyên quốc gia có lịch sử hơn nửa thế kỷ vận hành, Kiev sẽ mất đi nguồn thu 5-7 tỉ USD/năm cùng với các cam kết ưu đãi, hưởng lợi từ dầu thô, sản phẩm từ dầu mỏ, khí đốt giá rẻ. Trong khi Nga đã xây dựng, vận hành các tuyến đường ống dầu, khí mới đi châu Âu, châu Á.

Trong một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) và Trung tâm Nghiên cứu dân chủ (CSD), hãng tin Mỹ Politico cho rằng, dầu của Nga dường như đang chảy vào châu Âu, đến các quốc gia EU thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng lớn. Nói cách khác, phương Tây bất lực, bó tay đứng nhìn, trong khi hằng tháng vẫn phải chi hàng chục tỉ USD mua dầu thô, khí đốt của Nga một cách gián tiếp, giá cao. Các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn lộ ra những lỗ hổng nhất định. Các nước EU vẫn được phép nhập khẩu nhiên liệu hỗn hợp nếu nó được dán nhãn mác không phải của Nga.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ (không là thành viên của EU) và Nga đang hợp tác có hiệu quả về năng lượng, vận hành tuyến đường nhập khẩu dầu, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” công suất 33 tỉ m3 khí đốt/năm. Thổ Nhĩ Kỳ (từ 2/2023 đến 2/2024) tăng lượng nhập dầu từ Nga lên 105% so với 12 tháng trước đó và xuất khẩu nhiên liệu từ Thổ sang EU tăng 107%. Cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp nhận 22 triệu thùng nhiên liệu, 92% trong số đó đến từ Nga, gấp 3 lần lượng nhập khẩu từ Moskva năm trước, mang về cho Nga 3 tỉ euro qua 3 cảng của Thổ (Ceyhan, Ereglisi, Marmara).

Cùng thời gian đó, 85% nhiên liệu xuất khẩu từ cảng này chảy sang EU. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại 2 cảng phía Tây và phía Nam Mersin. “Thổ Nhĩ Kỳ có các nhà máy lọc dầu có thể xử lý gần 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Và các công ty ở Thổ cũng có khả năng bán một lượng nhiên liệu không phải của Nga cho EU”-Politico đưa tin.

Tập đoàn Dầu khí Gazprom, Nga tham vọng xây dựng đường ống dẫn khí xuyên Iran, cung cấp lượng khí đốt tương đương với 2 đường ống Nord Stream 1-2 (Dòng chảy phương Bắc 1 và 2) công suất 110 tỉ m3/năm. Đường ống “Sức mạnh Siberia” đi Tây Tạng đang phát huy tác dụng, cấp hơn 30 tỉ m3 khí/năm cho người dân Trung Quốc, dự kiến tăng lên 38 tỉ m3 năm 2025 và ổn định 48 tỉ m3 ở những năm tiếp theo, trong khi đường dẫn khí của Nga trung chuyển qua Mông Cổ đạt 100 tỉ m3 khí/năm.

    NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ