Những người bảo đảm giao thông thông suốt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
QPTĐ-Sau những thắng lợi liên tiếp ở các Chiến dịch Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đang ở giai đoạn “cầm cự” chuyển sang giai đoạn “tổng phản công”. Ngày 25/5/1953, Bác Hồ giao cho Ban Thanh vận Trung ương và các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến xây dựng Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) Trung ương theo mô hình mới, được tổ chức chặt chẽ hơn, dài ngày hơn, là nơi rèn luyện, đào tạo cán bộ, là trường học thực tiễn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên huấn luyện chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tất cả cho tiền tuyến
.png)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị họp bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu).
Theo chỉ thị của Bác, các đội thanh niên xung phong đã sáp nhập lại lấy tên là “Đoàn XP”. Nhiệm vụ của Đoàn là “xung phong trong mọi công việc, phục vụ kháng chiến đến thành công”. Đoàn hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III và Liên khu IV.
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện Chỉ thị của Người, công cuộc chuẩn bị cho Chiến dịch được ráo riết tiến hành.
Ông Nguyễn Tiến Năng (sinh năm 1928, hiện trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), nguyên Phó Đội trưởng Đội 34-40 TNXP Điện Biên Phủ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam kể lại: “Để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, một cuộc vận động tuyển TNXP với quy mô lớn và dài ngày diễn ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Những người trúng tuyển được tổ chức từng đoàn di chuyển đến nơi tập kết ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi sắp xếp tổ chức và chuẩn bị mọi thứ, Đội 34-40 với 40 đại đội, quân số 8.000 cán bộ, đội viên hành quân lên Tây Bắc. Các Đội 36-38 với 20 đại đội, quân số 4.000 cán bộ, đội viên hành quân lên Việt Bắc. Đến Tết Giáp Ngọ (1954) các đơn vị TNXP có mặt tại tỉnh Sơn La được các ông Nguyễn Tiến Năng, Trần Đăng Ninh giao nhiều nhiệm vụ. Trong đó, quan trọng nhất là bảo đảm giao thông thông suốt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để việc cung cấp đạn dược, lương thực, thực phẩm cho bộ đội không để bị ngừng. Đây là cuộc chiến gian nan, nguy hiểm không kém tiền tuyến, cán bộ, đội viên TNXP vẫn sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

TNXP cùng bộ đội mở đường từ Tuần Giáo và Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu).
Để phục vụ Chiến dịch, ta mở đường 1B dài 140km nối thị xã Thái Nguyên với cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đội TNXP 38 đã được giao nhiệm vụ quan trọng này trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Bằng phương pháp hoàn thành từng đoạn, đường 1B đã được nối liền, đúng thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có ngày, địch huy động hàng trăm lượt máy bay ném bom xuống các khu vực hòng cắt đứt “mạch máu” giao thông của ta. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị TNXP bằng ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, kiên cường bám trụ phá bom, san lấp hố bom, nối đường giao thông chỉ với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, choòng, xà beng, thông đường chỉ sau 5 đến 7 giờ.
Tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), điểm giao giữa Đường 41 (Thanh Hóa, Hòa Bình) và Đường 13 (Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc), là nơi địch đánh phá ác liệt nhất, có ngày thực dân Pháp đã huy động 69 máy bay, ném trên 300 quả bom. Cựu TNXP Phùng Quang Khái (phường Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), nguyên đội viên TNXP Đội 40 nhớ lại: “Cò Nòi được mệnh danh là “chảo lửa”, “túi bom”, “cửa tử”. Đội 34 và 40 đã bám trụ ngoan cường dưới cơn mưa bom của địch, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian Chiến dịch. Hàng trăm đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Tại đây, xuất hiện những TNXP phá bom nổ chậm nổi tiếng thông minh, gan dạ như: Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam, Nguyễn Tiến Thụ, Trịnh Văn Huyền (4 đồng chí được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23/7/2014)”.
Tại đèo Pha Đin-một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Đèo dài khoảng 32 km, từ km số 360 đến km số 392 trên Quốc lộ 6, là nơi tiếp giáp theo hướng Đông-Tây giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Đây là tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân ta. Lực lượng TNXP bố trí ở đây 9 đại đội thuộc các Đội 40, 34. Ai nấy đều anh dũng, lao động hết mình để đảm bảo thông xe ra mặt trận.
Tháng 4/1954, có 10 xe chở hàng ra mặt trận bị địch đánh phá. Các đồng chí đã dũng cảm dập lửa, cứu hàng, cứu được cả đoàn xe an toàn. Hành động dũng cảm ấy đã được Bác Hồ tặng áo lụa và thưởng Huân chương. Kết thúc Chiến dịch, 16.000 TNXP đã sửa chữa, mở rộng 3.300 km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông 60 bến phà. Cùng với dân công, TNXP đã gùi thồ 100 nghìn tấn gạo, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ Chiến dịch.
Xứng danh Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân
.png)
Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy quân Pháp tại Chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu).
Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, có đóng góp quan trọng của lực lượng TNXP. Ngày 08/5/1954, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội, TNXP, dân công và đồng bào Tây Bắc, trong đó có đoạn: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, TNXP và đồng bào các địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.
Khi đánh giá về Lực lượng TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu không có TNXP thì bộ đội sẽ gặp nhiều khó khăn. TNXP thực sự đem tinh thần xung phong của thanh niên trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc...”; “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.
Với thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, Lực lượng TNXP đã được tặng 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 60 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, 120 Huy hiệu Bác Hồ. Năm 2010, Lực lượng TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.
Cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ.