"“Chìa khóa” hóa giải bài toán sinh hoạt Đảng ở chi bộ đông đảng viên"
Chi bộ ở cơ sở là hạt nhân chính trị, là gốc rễ, tế bào, là “đồn lũy” của Đảng. Muốn Đảng mạnh thì gốc rễ phải bền, tế bào phải khỏe mạnh. Để thực hiện được điều đó,đòi hỏi tổ chức đảng phải tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt, đây không chỉ là vấn đề then chốt quyết định đến kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn là biện pháp hiệu quả để rèn luyện bí thư cấp ủy, rèn luyện đảng viên. Thời gian qua, việc triển khai thí điểm “sinh hoạt theo tổ Đảng ở chi bộ đông đảng viên” theo Hướng dẫn số 03-HD/TƯ, ngày 27/12/2022 của Ban Bí thư, đã được Thành ủy Hà Nội tích cực chỉ đạo thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thực sự đã trở thành “chìa khóa”hóa giải bài toán khó trong sinh hoạt Đảng cho hàng trăm chi bộ đặc thù đông đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Đảng mạnh từ gốc.
Bài 1: Tích cực “gỡ khó” cho cơ sở
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nói chung và của tổ chức cơ sở đảng nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là thước đo quan trọng để đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, do số lượng đảng viên quá đông, cá biệt có chi bộ lên đến 350 đảng viên, nên kéo theo nhiều hệ lụy, như thiếu thốn về cơ sở vật chất do “quá tải” về số lượng; công việc của cấp ủy tăng lên; tính đấu tranh của các đảng viên trong sinh hoạt bị giảm xuống… dẫn đến chất lượng sinh hoạt đảng không cao. Đây là những vấn đề khó khăn, bất cập nảy sinh từ thực tiễn cần phải giải quyết.
“Bài toán khó” đặt ra cho Bí thư và cấp ủy
Qua khảo sát thực tế đối với các chi bộ đặc thù đông đảng viên của một số quận, huyện, thị xã và học viện, nhà trường trực thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội cho thấy, điểm tắc nghẽn “vướng nhất” ở các tổ chức đảng này chính là thiếu địa điểm sinh hoạt tập trung. Cụ thể như Đảng bộ phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng có 39 chi bộ, gồm 23 chi bộ Tổ dân phố, 15 chi bộ thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp, như công an, trường học và doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong đó, 23 chi bộ Tổ dân phố đều có hơn 30 đảng viên, 7 chi bộ có trên 100 đảng viên, 16/23 chi bộ Tổ dân phố có địa điểm sinh hoạt tại nhà cộng đồng, tuy nhiên diện tích các nhà sinh hoạt này chỉ 30m2, nên rất khó khăn cho việc tập trung đông người cùng lúc. Đồng chí Lê Huy Khôi, Bí thư Chi bộ 17, khu đô thị Times City, phường Vĩnh Tuy cho biết: “Mặc dù chúng tôi có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng chi bộ đông trên 350 đảng viên, thành ra quá tải, không có chỗ để sinh hoạt chi bộ. Quy định thời gian sinh hoạt chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ là từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 hàng tháng. Để đảm bảo thời gian, mỗi lần sinh hoạt, Bí thư rồi cả cấp ủy cứ phải chạy đôn chạy đáo để tìm địa điểm, rất vất vả”. Hay như ở Chi bộ Tổ dân phố số 28, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên có 144 đảng viên. Hiện tại Chi bộ Tổ dân phố số 27 và số 28 chung một nhà văn hóa diện tích nhỏ hẹp, nên bố trí địa điểm sinh hoạt cho chi bộ đông đảng viên gặp rất nhiều khó khăn, theo như đồng chí Lê Ngọc Thi, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 28 chia sẻ: “Nhiều khi mượn được địa điểm sinh hoạt chi bộ thì thiếu thốn đủ thứ, như điều hòa, quạt, loa đài không có để phục vụ, các đảng viên lại phải tự túc mang ở nhà đi, đến là mệt”.
Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, không riêng gì ở các chi bộ tổ dân phố của các quận nội thành khó khăn về địa điểm sinh hoạt, mà ngay cả các chi bộ ở nông thôn cũng rơi vào tình trạng này. Tiêu biểu như chi bộ thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, có 152 đảng viên, do đông đảng viên, hội trường thôn không đủ phải đi sinh hoạt nhờ ở nhà dân, đồng chí Lưu Văn Đức, Bí thư Chi bộ cho biết: “Tìm được địa điểm sinh hoạt đã khó, thông báo cho đảng viên biết thời gian sinh hoạt lại càng khó khăn vất vả hơn, vì nhiều đảng viên cao tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, hoặc một số không có phải mượn con cháu, nên khi lập nhóm thông báo thời gian, địa điểm sinh hoạt trên zalo hay sổ tay điện tử đảng viên cũng không xem được, Bí thư hoặc chi ủy viên lại phải tới từng nhà để thông báo trực tiếp, nên rất mất thời gian”. Chia sẻ về những băn khoăn, trăn trở khi tham gia sinh hoạt ở chi bộ đông đảng viên, đồng chí Hoàng Thế Trường, đảng viên xóm Bàn, thôn Yên Nhân tâm sự: “Địa bàn thôn rộng, nhiều khi từ nhà đến địa điểm sinh hoạt xa đến hơn 1km, những đảng viên có tuổi như chúng tôi đi lại rất ngại, hơn nữa thời gian chi bộ sinh hoạt không quá 1 giờ 30 phút theo quy định, các ý kiến tham gia đóng góp cũng không được nhiều, người muốn phát biểu có khi không đến lượt, người được phát biểu lại phải nhìn trước nhìn sau, sợ ý kiến đụng chạm đến quyền lợi của đồng chí hàng xóm cạnh nhà. Thành ra đi sinh hoạt nhiều khi chỉ điểm danh cho có”. Nói về chất lượng sinh hoạt đảng ở chi bộ đông đảng viên, đồng chí Nguyễn Ngọc Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong chia sẻ: “Chi bộ đông đảng viên, không chỉ “quá tải” về cơ sở vật chất, mà chất lượng sinh hoạt nhiều khi cũng chỉ ở mức độ, ví như trong tổ chức sinh hoạt, do sợ không có địa điểm nên sinh hoạt chi bộ nhiều khi còn gộp ghép nhiều nội dung trong một buổi; dẫn đến nội dung sinh hoạt nghèo nàn, dàn trải, chung chung, hình thức, khiến cho đảng viên ngại phát biểu ý kiến, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, không thể hiện rõ trách nhiệm, quan điểm, chính kiến riêng”.
“Sinh hoạt theo tổ Đảng” bí quyết tháo gỡ khó khăn
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Long, Phó trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Long Biên cho biết: “Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TƯ, ngày 27/12/2022 và thực hiện Đề án 11-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 04-HD/TU của Thành ủy Hà Nội đối với việc “Thí điểm sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố theo tổ đảng ở các khu dân cư, khu chung cư và khu đô thị mới có đông đảng viên”. Để thực hiện đảm bảo đồng bộ, chất lượng, chúng tôi yêu cầu các Đảng ủy chỉ đạo chi bộ trực thuộc rà soát việc chia tổ Đảng theo quy định, tùy điều kiện thực tiễn mà vận dụng khoa học, nhịp nhàng, linh hoạt hình thức sinh hoạt theo tổ Đảng; phân công phụ trách tổ Đảng, hoàn thiện quy chế hoạt động theo quy định”. Chia sẻ về việc thực hiện thí điểm mô hình sinh hoạt tổ Đảng thay cho sinh hoạt chi bộ hàng tháng đối với những chi bộ có đông đảng viên, đồng chí Trịnh Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng khẳng định: “Hướng dẫn số 03 của Trung ương và Hướng dẫn số 04 của Thành ủy Hà Nội là bước đột phá về nhận thức, tầm nhìn chiến lược của cấp trên đối với những khó khăn thực tế ở cơ sở, đây là giải pháp “gỡ khó” về địa điểm, cơ sở vật chất, khắc phục được tình trạng khi đảng viên phân tán, đồng thời quản lý, giáo dục, nắm tư tưởng đảng viên sâu hơn, nắm được tình hình dư luận nhân dân nhanh hơn và cách thức tổ chức nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng cũng phù hợp hơn”. Tìm hiểu hình thức sinh hoạt theo tổ đảng ở Đảng bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi được biết, Đảng bộ có 46 chi bộ trực thuộc, 7 chi bộ đông đảng viên, trong đó chi bộ đông đảng viên nhất là Khoa Tài nguyên và Môi trường có 103 đảng viên, khi thực hiện thí điểm mô hình “Sinh hoạt theo tổ Đảng”, chi bộ chia thành 10 tổ Đảng theo các bộ môn. Đánh giá về hiệu quả sinh hoạt theo tổ Đảng, PGS.TS Trần Trọng Phương, Bí thư Chi bộ Khoa cho biết: “Thực hiện sinh hoạt tổ Đảng thay cho sinh hoạt chi bộ hàng tháng, chúng tôi thấy đảng viên trong chi bộ luôn bày tỏ quan điểm đồng tình, nhất trí cao hơn. Nhiều đảng viên, nhất là các giảng viên trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong phát biểu ý kiến đóng góp cho chi ủy, chi bộ về lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách”.
Để thực hiện mô hình “Sinh hoạt theo tổ Đảng” bảo đảm thống nhất, duy trì liên tục và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng chí Đinh Thị Thu Trang, Phó trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Hai Bà Trưng cho biết: “Căn cứ vào Hướng dẫn 03 của Trung ương và Hướng dẫn 04 của Thành ủy, Quận ủy cũng có hướng dẫn thực hiện thí điểm sinh hoạt theo tổ Đảng rất cụ thể, chặt chẽ”, theo đó, trước khi tiến hành sinh hoạt theo tổ đảng, chi ủy phải họp, định hướng nội dung, phân công chi ủy viên phụ trách dự sinh hoạt tổ đảng; trường hợp cần thiết có thể mời đồng chí tổ trưởng tổ đảng không phải chi ủy viên dự họp. Trong quá trình sinh hoạt theo tổ đảng, đồng chí tổ trưởng tổ đảng chủ trì, điều hành cuộc họp; đảng viên trong tổ đảng thảo luận, tham gia, đóng góp ý kiến và biểu quyết về các nội dung trong sinh hoạt đảng và dự thảo kết luận; ghi biên bản cuộc họp, gồm số lượng đảng viên dự sinh hoạt, các ý kiến tham gia, ý kiến khác hoặc chưa thống nhất với dự thảo kết luận, ý kiến cần bảo lưu. Đồng chí tổ trưởng tổ đảng sẽ tổng hợp các ý kiến thảo luận để báo cáo với chi ủy, chậm nhất 1 ngày sau khi họp tổ đảng. Khi có kết quả sinh hoạt theo tổ đảng, chi ủy sẽ tổng hợp kết quả sinh hoạt đảng tại các tổ đảng; họp, thảo luận, tiếp thu các ý kiến tham gia của đảng viên để bổ sung, hoàn thiện nội dung sinh hoạt chi bộ, trường hợp cần thiết có thể mời đồng chí tổ trưởng tổ đảng không phải chi ủy viên dự họp; thông qua kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ; phân công nhiệm vụ cho đảng viên và triển khai thực hiện. Đây cũng là chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản mà hơn hai trăm chi bộ đặc thù đông đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tiến hành hiệu quả trong thời gian qua.
Nguyễn Văn Tuân