A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Hà Nội

Đột phá vào những khâu yếu, việc khó

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác Thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Để tiếp tục thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 09 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội Thành phố trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ doanh nghiệp, người lao động và thực hiện tốt chính sách xã hội. Cùng với tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp và đoàn viên thanh niên, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có đủ năng lực, trình độ lãnh đạo phong trào quần chúng. Cùng với đó, xây dựng một số cơ chế đặc thù để phát triển tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Sâu sát hỗ trợ cơ sở

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội 
trao đổi về công tác phát triển tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trong giai đoạn đầu thành lập và giai đoạn khó khăn về công tác cán bộ, Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng, triển khai Đề án, Kế hoạch đưa cán bộ của Thành đoàn đi thực tế tại cơ sở làm Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên trong các Tổng công ty, Đảng ủy khối doanh nghiệp, Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Thành đoàn chi trả toàn bộ cơ chế hỗ trợ. Đối với cấp Đoàn cơ sở, đưa cán bộ đi thực tế tại đơn vị theo mô hình 1+1. Nghĩa là, mỗi tuần 1 ngày làm việc tại cơ quan, 1 ngày xuống doanh nghiệp; hoặc mô hình 1+2, tức mỗi năm có tổng thời gian 2 tháng xuống làm việc tại doanh nghiệp. Những mô hình trên đã hỗ trợ tối đa các tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của các đơn vị, khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn”.

Tìm hiểu tại Đoàn Thanh niên các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện nay chỉ có 01 cán bộ Đoàn chuyên trách hướng dẫn chỉ đạo, triển khai hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên tới các tổ chức Đoàn trong khối. Cán bộ thiếu vắng, khối lượng công việc nhiều, song Bí thư Đoàn Thanh niên Ngô Thị Liên vẫn sắp xếp công việc khoa học, dành nhiều thời gian xuống doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ cán bộ Đoàn cơ sở. Cùng với đó, đồng chí tham mưu với Đảng ủy chỉ đạo tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn hằng năm cho cán bộ chủ chốt các cơ sở Đoàn trực thuộc. Đồng thời, thông qua nhóm zalo, trang facebook Đoàn khu công nghiệp chế xuất Hà Nội thường xuyên đăng tải thông tin, trao đổi kinh nghiệm đổi mới, sáng tạo các hoạt động đoàn. Nhờ đột phá vào công tác cán bộ, hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất ngày càng sôi nổi, đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều năm, Đoàn Thanh niên các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội được Thành đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.

 

Tuổi trẻ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội 

chung tay hỗ trợ cài đặt ứng dụng định danh điện tử công dân.

Ở Tổng công ty Xuất khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconek), công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn được thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức, giao việc khó qua thực tế hoạt động phong trào. Với phương châm “Xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, thực sự là những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp, có khả năng hướng dẫn, tổ chức hoạt động cho thanh niên”, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, luân chuyển cán bộ trẻ. Cùng với đó, tham mưu, đề xuất với Tổng Công ty về một số cơ chế, chính sách cho thanh niên và cán bộ đoàn các cấp. Nhờ được quan tâm bồi dưỡng toàn diện cả về trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác, trang bị tốt về lý luận chính trị, từ năm 2017 đến nay, toàn Tổng Công ty đã có 16 cán bộ Đoàn được bầu vào cấp uỷ Đảng, được bổ nhiệm nhiều chức danh quan trọng như Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc các công ty thành viên, Giám đốc, Phó Giám đốc các Ban nghiệp vụ Tổng công ty... Nhờ vậy, đã có tác động tích cực đẩy mạnh hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại các đơn vị thành viên.

“Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Cán bộ nào, phong trào ấy”, với vai trò quan trọng như vậy, để phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn luôn được Thành phố quan tâm chú trọng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012-2022, các cấp bộ Đoàn đã mở 215 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 16.980 lượt cán bộ, đoàn viên. Qua đó, giúp lực lượng này đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong việc tham mưu vận động thành lập tổ chức Đoàn và triển khai có hiệu quả các hoạt động phong trào thanh niên tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

 
Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xuất khẩu và xây dựng Việt Nam

trao đổi kinh nghiệm hoạt động công tác Đoàn. 

Ban hành các cơ chế, mô hình đặc thù

Để Đoàn Thanh niên hoạt động hiệu quả trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cán bộ chuyên trách, tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp. Theo Ban Tổ chức Thành ủy, ngay sau khi Nghị quyết số 09 được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành phố xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước Thành phố. Hằng năm, Ban Chỉ đạo đã xây dựng chương trình làm việc, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu đề ra, rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống các văn bản chỉ đạo, trong đó, có cơ chế, chính sách đặc thù như: Ban hành Quyết định số 2100 ngày 5/9/2012 về “Quy định tạm thời một số chế độ, định mức chi hỗ trợ tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Thành phố”.  

Theo Quyết định số 2100, đối với tổ chức Đoàn Thanh niên ngoài khu vực Nhà nước tương đương cấp huyện trực thuộc Thành đoàn được hỗ trợ kinh phí hoạt động 50 triệu đồng/đơn vị/năm; tương đương cấp xã trực thuộc Đoàn Thanh niên quận, huyện, thị xã có mức hỗ trợ 10 triệu đồng/đơn vị/năm. Đối với cán bộ làm công tác Đoàn tại doanh nghiệp, Bí thư Đoàn Thanh niên (tương đương cấp huyện Đoàn) được hưởng phụ cấp hệ số 0,4 mức lương tối thiểu chung/tháng; tương đương cấp xã được hưởng phụ cấp hệ số 0,15 mức lương tối thiểu chung/tháng. Kinh phí hỗ trợ trên tuy chưa nhiều, song có tác dụng tích cực đến công tác phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Được biết, cùng với thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Thành phố rà soát các đơn vị có đủ điều kiện, vận động doanh nghiệp thành lập tổ chức Đoàn. Hội doanh nghiệp trẻ các cấp là tổ chức thu hút, tập hợp các doanh nghiệp tư nhân cùng hoạt động và sinh hoạt. Trong Hội có nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Đoàn, vì vậy, đây là “mảnh đất màu mỡ” để tuyên truyền, tập hợp đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, Thành đoàn đã chỉ đạo thành lập và phát huy hiệu quả “Câu lạc bộ Kiến tạo địa cầu” thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, với sáng lập viên là thế hệ con cháu, người thừa kế của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân. Hiện nay, đã thành lập mới được gần 200 tổ chức Hội trong các doanh nghiệp tham gia vào Câu lạc bộ. Đây đều là những công ty thành viên thuộc những tập đoàn, công ty lớn, có nhân lực dồi dào, là địa bàn tốt để vận động thành lập và phát triển hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Vinaconek  phối hợp 
tặng xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội.

Đặc biệt, để khẳng định được vai trò của tổ chức Đoàn, tạo được niềm tin, thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như đoàn viên thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trong doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành vinh danh chủ doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên, thanh niên qua các giải thưởng, cuộc thi của tổ chức Đoàn như: Công nhân trẻ tiêu biểu; Người thợ trẻ giỏi; Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu; Hội thi những người thợ giỏi; Hội thi tay nghề; Hội thi bàn tay vàng; Festival sáng tạo trẻ. Tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy cho thấy, việc thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã khó, duy trì hoạt động có hiệu quả lại càng khó hơn do cán bộ ngoài công tác Đoàn và phong trào thanh niên, phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn, không có điều kiện chuyên trách. Theo đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội, để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cán b Đoàn phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chủ động đề xuất và đảm nhận những việc mới, việc khó tại cơ quan, đơn vị. Các chương trình, kế hoạch công tác của Đoàn phải đảm bảo tính thực tiễn, thực sự đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị của doanh nghiệp và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của thanh niên. Đặc biệt, phải không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức trong từng hoạt động của Đoàn, tránh gây nhàm chán, tuyệt đối tránh bệnh hình thức, lãng phí trong các hoạt động và đặt tính hiệu quả lên hàng đầu với phương châm “Được người-được việc-được phong trào”...

 

Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã xác định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ... Với vai trò nòng cốt như vậy, công tác phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp này cần tiếp tục được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ, góp sức xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển. Đồng thời, đây cũng chính là nguồn quan trọng để phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Mạnh Quang

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ