A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác Hồ với quân dân Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp

 

QPTĐ-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc, giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

 

 

Lễ chào cờ chiều ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô được nghe đọc thư của Bác Hồ.
         
Ảnh: Tư liệu

 

Hà Nội những ngày đầu kháng chiến


Hà Nội cũng là nơi ghi dấu những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-8-1945, Người từ Chiến khu Việt Bắc về  Hà Nội và tại căn nhà số 48, phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào. Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.


 “Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.


Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào 20 giờ ngày 19-12-1946, bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong Thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Thủ đô Hà Nội ngày ấy, mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ. Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ, ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Tết Âm lịch năm đó (khoảng 27-1-1947), cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân Thủ đô ăn Tết trong vòng vây của địch. Một niềm vui vô hạn đã đến, đúng đêm Giao thừa, các chị giao liên đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, nguy hiểm đem tới cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô bức thư chúc Tết của Bác Hồ và quà của đồng bào hậu phương.


Trong thư Bác viết: “...Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau...”. 


Trong điều kiện chiến tranh mở rộng, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian để viết thư cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô, chính điều đó đã thể hiện được tấm lòng của Người đối với các chiến sĩ, với nhân dân Thủ đô. Những lời lẽ giản dị, gần gũi nhưng đã làm biết bao người bật khóc vì cảm động và sung sướng trước sự quan tâm, săn sóc của Bác, của đồng bào hậu phương.

 

Thủ đô ngày giải phóng


Hơn 8 năm sau, ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng. Trong lễ mít tinh trọng thể diễn ra cùng ngày, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã được nghe “Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng”.


Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

 

Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng thay mặt Chính phủ tỏ lời thân ái chào thăm đồng bào và bày tỏ: “Nếu kể từ ngày Thế giới chiến tranh lần thứ hai thì Thủ đô ta đã trải qua 15 năm binh lửa. Thời gian khá dài, tổn thương không ít! Sở dĩ Thủ đô giữ gìn được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu”.


Trong không khí tràn ngập niềm vui, Bác cũng nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cơ bản mà chính quyền và nhân dân Thủ đô phải thực hiện sau ngày giải phóng: “Tuy vậy, từ nay Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta.


- Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp.


- Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong.


- Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công, thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta.


- Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hoá, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hoá.


- Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.


Nói tóm lại, nhân dân, bộ đội và cán bộ phải thi hành đúng chính sách và tuân theo kỷ luật mà Ủy ban Quân chính đã ban bố".


Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Bác cũng khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.


Thực hiện những lời căn dặn của Bác, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hôm nay, Hà Nội đang tiếp tục phát huy những lợi thế, tiềm năng của vùng đất lịch sử, nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa ngàn năm để phát triển bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước, Thủ đô Anh hùng, “Thành phố Vì hòa bình”.

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ