A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước “đột phá” để văn hóa mãi thấm sâu và lan tỏa:

Bài 2: “Đột phá” để mở cánh cửa phát triển không gian văn hóa cho Thủ đô

QPTĐ-Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Để biến khát vọng đó trở thành hiện thực, Hà Nội đã đi tiên phong, là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022).

Tiên phong nhưng không nóng vội

Nếu văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao, chiều sâu của trí tuệ và trình độ phát triển. Thì công nghiệp văn hóa là thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính như ứng dụng của những tiến bộ công nghệ, thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của người dân. Nhận thức sâu sắc điều này, nên trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội xác định: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của Thủ đô, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Thủ đô vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế mang tính thiết yếu, trong đó xác định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Thành ủy Hà Nội quán triệt Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa cho cán bộ, đảng viên.
 

Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Cũng theo như đồng chí Phó Bí thư Thành ủy cho biết, để bảo đảm Nghị quyết phù hợp, sát, đúng với cả lý luận và thực tiễn, mang tính “đột phá” cao, Thành phố đã tổ chức 2 buổi hội thảo khoa học, 4 cuộc tọa đàm và các hội nghị mở rộng lấy ý kiến của doanh nghiệp, nghệ sĩ, trí thức và nhân dân trong xây dựng nghị quyết. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới là rất quan trọng. Còn theo Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Nghị quyết số 09 về phát triển ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển văn hóa của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm tiếp theo.

Lễ hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm- nơi thu hút được rất nhiều khách du lịch đến thăm quan.
 

 Gần đây chúng ta đã từng chứng kiến, những gì mà ban nhạc Black Pink đem lại cho Hà Nội qua 2 đêm diễn với khoảng hơn 300 tỷ đồng, và Taylor Swift đem lại cho Singapore qua 6 đêm diễn với hơn 375 triệu đô la (tương đương với 8.925 tỷ đồng) cho thấy, những tiềm năng kinh tế của công nghiệp văn hóa so với những lợi ích khác thì văn hóa còn lớn hơn thế nhiều. Đó là lý do chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa để các ngành công nghiệp văn hóa mang lại lợi ích cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Qua đây cũng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội”. Nói về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nghị quyết, đồng chí Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố cho rằng, đây là một nghị quyết rất quan trọng, mang tính định hướng, khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục góp phần với cả nước thực hiện tốt một trong các khâu đột phá để phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết là cơ sở lý luận và cẩm nang để tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên

Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, các địa phương đã khẩn trương tổ chức quán triệt, học tập và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, gắn với việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy. Là một huyện đang nằm trong quy hoạch lên quận vào cuối năm 2025, huyện Gia Lâm xác định tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa, do đó Gia Lâm đã nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Huyện đã tập trung nghiên cứu, đồng thời khảo sát, đánh giá tình hình, thực trạng của địa phương để xây dựng, ban hành Kế hoạch số 86-KH/HU của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09 được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện sáu lần; tổ chức lấy ý kiến đóng góp và được hoàn thiện, triển khai, quán triệt đến 100% chi bộ, đảng bộ trực thuộc, tới cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ hằng năm, rõ nội dung, khối lượng và tiến độ thực hiện. Đồng chí Phùng Đắc Quảng, Bí thư Đảng ủy xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cho biết: “Việc Thành ủy Hà Nội định hướng phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Để cụ thể hóa mục tiêu này trên địa bàn xã, chúng tôi đã tích cực hành động, triển khai tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và định hướng cách giữ gìn, phát triển nền văn hóa Thủ đô đến từng chi bộ, từng người dân. Đồng thời, trên cơ sở các làng nghề như dát vàng quỳ hiện có, chúng tôi sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, tuyên truyền quảng bá du lịch làng nghề, phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; xã sẽ chú trọng đầu tư các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội”.

Di tích đền Cổ Loa, huyện Đông Anh sau khi được trùng tu, bảo tồn.
 

Đối với thị xã Sơn Tây là trung tâm của văn hóa xứ Ðoài, với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 23/2/2022, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết. Tiếp đó, Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 31/3/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội. Các cuộc tập huấn, quán triệt góp phần giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thay đổi nhận thức về công nghiệp văn hóa. Ông Nguyễn Văn Minh, đảng viên chi bộ thôn Vị Thủy, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây chia sẻ: “ Nghị quyết số 09 của Thành ủy xác định đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tôi nghĩ rất đúng và cần thiết. Vì lĩnh vực này không chỉ tạo ra công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhân dân, mà còn hướng mỗi người chúng ta đến xây dựng cái đẹp, sống có văn hóa, tự hào về mảnh đất mình đang sống”.

Cổng thành cổ Sơn Tây đặc trưng của văn hóa xứ Đoài.
 

Qua đó cho thấy, Nghị quyết 09 của Thành ủy ra đời không chỉ mở ra cánh cửa phát triển không gian văn hóa cho Thủ đô, mà còn làm cho văn hóa dần thấm sâu, trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp, trong các hoạt động của người dân Thủ đô, từng bước thực hiện nhiệm vụ gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và nhu cầu phát triển xã hội, phát triển văn hóa trong chính trị gắn chặt với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội theo hướng văn minh, thanh lịch, nghĩa tình, trách nhiệm, sáng tạo, đóng góp chung vào sự phát triển của Thủ đô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân Thủ đô.

Nguyễn Văn Tuân

 

Bài 3: Hiệu quả khi nghị quyết đi vào đời sống


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ