A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức ngày 2-9 của những thiếu niên Quyết tử

 

QPTĐ-Ngày 2/9/1945, trên Lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể thế giới, bắt đầu từ đây, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Đã 74 năm trôi qua nhưng kỷ niệm đó đối với các ông Phùng Đệ, Lê Ngọc Canh-những thiếu niên Thủ đô Quyết tử (hay còn gọi là Út đoàn) vẫn như ngày hôm qua.

 

 

Các thiếu niên Thủ đô Quyết tử năm xưa ôn lại những năm tháng chiến đấu oanh liệt.

 

Trong không khí của những ngày mùa Thu lịch sử, chúng tôi tìm đến địa chỉ số 28, ngõ 45, phố Phan Đình Phùng, Hà Nội tìm gặp ông Phùng Đệ và đồng đội của ông (những thiếu niên Thủ đô Quyết tử năm xưa). Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng khi có thời gian là những người thiếu niên năm xưa lại tìm đến nhau, ôn lại những khoảnh khắc một thời lịch sử hào hùng của dân tộc; chia sẻ với nhau những niềm vui của gia đình, người thân… Trong đó, câu chuyện của ngày mồng 2-9-1945 luôn được họ nhắc tới bằng sự tự hào khôn nguôi.


Ông Phùng Đệ bồi hồi: “Hồi ấy tôi còn nhỏ nhưng tận sau này nhớ lại thì tôi nghĩ, có lẽ anh thợ cả sửa giày của tôi lúc đó do Việt Minh cài cắm nên đi đâu anh cũng cho tôi đi và kể cho tôi rất nhiều câu chuyện liên quan đến cách mạng. Ngày 2-9-1945, như thường lệ, anh cũng cho tôi theo nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập-khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước khi đi, anh dặn phải mặc bộ quần áo đẹp nhất. Hôm 2-9, Hà Nội rất đông, tất cả các khối đi tầng tầng, lớp lớp, những người đứng ngoài bao quanh như chúng tôi cũng rất nhiều, mọi người muốn nghe Bác Hồ nói, muốn nghe lịch sử “đổi đời” của đất nước Việt Nam. Bác Hồ trong tiềm thức của một cậu bé như tôi gầy và hiền từ nhưng giọng của Bác khi cất lên sang sảng, khiến tất cả người ở dưới im phăng phắc. Rất may mắn tôi đã được nghe giây phút lịch sử đó”.


Cũng nhớ về mồng 2-9 năm đó, ông Lê Ngọc Canh (đồng đội của ông Phùng Đệ) nhớ lại: “Tôi sinh ra tại Đa Sỹ, Hà Đông, trong gia đình có 5 người con (tôi là thứ 3). Trước năm 1945, tôi đã có mặt tại Hà Nội. Ngày 2-9-1945, mặc dù tôi còn nhỏ nhưng vẫn cảm nhận được đầy đủ quanh cảnh của Hà Nội khi đó: Rực rỡ cờ hoa, khắp mọi nơi trên Thành phố đều treo cờ; trên đường phố, tầng tầng lớp lớp người mang trang phục rất đẹp, nhất là chị em phụ nữ toàn mặc áo dài, trong khí thế rất hồ hởi từ các hướng đều hướng về nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày hôm ấy, tôi từ Hàng Ngang ra bờ Hồ nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, mặc dù còn bé nhưng nghe thấy mấy từ đó tôi xúc động lắm, thấy điều gì đó thật linh thiêng, gần gũi. Tất cả người dân Hà Nội khi đó im phăng phắc như nuốt từng lời của Bác. Sau khi Bác nói xong, tất cả đều vỗ tay vang trời. Có thể nói đó là kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên và cảm giác như nó mới diễn ra ngày hôm qua”.


Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. 74 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh đầy gian khổ, không tiếc của cải và cả xương máu của dân tộc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. 


Trong thời gian toàn quốc kháng chiến, ông Phùng Đệ (trốn người thân) từ Phúc Tân chạy vào nội thành gia nhập tự vệ chiến đấu. Kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu trong nội thành, rút ra ngoại thành an toàn, ông Phùng Đệ được biên chế vào đội Tuyên văn Sư đoàn 308, tham gia phục vụ các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Tây Bắc, Trận Nghĩa Lộ… Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, rồi làm người lính quay phim ở 3 chiến trường trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông luôn giữ vững phẩm chất của chiến sĩ Quyết tử năm xưa. Có thể nói, sự nghiệp làm phim thời sự, phóng sự, tài liệu khoa học, phim truyện của ông, với vai trò là quay phim, đạo diễn đã cho ra đời rất nhiều bộ phim có giá trị, trong đó nhiều tác phẩm đạt Bông Sen Bạc, Vàng. Ông được Nhà nước, Quân đội tặng nhiều Huân chương, Bằng khen, đặc biệt năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.


74 năm trôi qua, chứng kiến sự đổi thay, phát triển của Thủ đô và đất nước, những người chiến sĩ cách mạng như ông Phùng Đệ, ông Lê Ngọc Canh luôn cảm thấy tự hào và xúc động. Truyền thống cách mạng của cha ông đã và đang được thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ và phát huy để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Trần Hiền- Nguyễn Dũng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ