A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đổi thay sau 15 năm sáp nhập

QPTĐ-Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII ban hành Nghị quyết số 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Ngay sau đó, hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù đã được Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội ban hành nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các địa phương mới được sáp nhập, trong đó có 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân của huyện Thạch Thất (trước đó thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Những chủ trương, chính sách đúng đã đi vào cuộc sống làm thay đổi diện mạo các địa phương.

Những khó khăn trước ngày sáp nhập

Ai đã từng đến thôn Hương, xã Yên Trung thời điểm địa phương mới sáp nhập về huyện Thạch Thất năm 2008, chắc vẫn còn nhớ nhiều về các danh hiệu mà thôn nắm giữ như thuộc diện khó khăn nhất, xa nhất và nghèo nhất. Con đường dẫn vào thôn Hương là một con đường đất với lởm chởm đá. Để đi đến cuối thôn, ngày nắng ráo đã là cả một sự vất vả, còn ngày mưa, thôn Hương dường như bị cô lập. Cuộc sống của người dân trong thôn dường như dừng lại mỗi khi trời tối, bởi lúc đó, thôn vẫn chưa có hệ thống điện. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Hương, xã Yên Trung cho biết: “Trước năm 2008, đời sống của gia đình tôi nói riêng và các hộ gia đình trong thôn Hương nói chung cực kỳ khó khăn, thiếu thốn đủ mọi mặt như thiếu điện, thiếu thông tin về đời sống xã hội bên ngoài…”. Không chỉ thôn Hương, xã Yên Trung, hầu hết các thôn xa trung tâm của 2 xã Yên Bình và Tiến Xuân cũng trong tình trạng gần giống thôn Hương. Ông Tạ Đức Tính, thôn Quế Vải, xã Tiến Xuân kể: “Ngày trước khi sáp nhập về Thủ đô, cuộc sống của người dân thôn tôi rất vất vả. Không nói đến chuyện khác, chỉ đơn cử mỗi chuyện đi lại cũng đủ vất vả, bởi thời đó các con đường dẫn vào thôn là đường đất. Trời nắng thì còn đỡ nhưng khi trời mưa thì cực vô cùng”.

Yên Bình ngày nay.

Không chỉ thiếu và yếu cơ bản về hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất của 3 xã Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân thời điểm trước năm 2008 cũng chưa được đầu tư cơ bản. Trong khi đó cả 3 xã đều là xã thuần nông, dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân diễn ra manh mún và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nhân dân chủ yếu khai thác các sản phẩm lâm nghiệp sẵn có như măng rừng và một số cây gỗ tạp. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không có kỹ thuật chăm sóc, hiệu quả kinh tế không cao… Tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã không dưới hai con số; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt dưới 80%, tỷ lệ làng văn hóa đạt dưới 50%.

Sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực

Đồng chí Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Sau 15 sáp nhập về Hà Nội, nhờ được các cấp đầu tư và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, huyện Thạch Thất đã có sự phát triển vượt bậc về tất cả các mặt. Bức tranh nông thôn của 3 xã đã khác hoàn toàn. 3 địa phương đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.

Nông nghiệp xã Yên Trung phát triển.

Ngay sau khi sáp nhập, Thành phố đã quan tâm, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình hạ tầng cơ sở như: Xây dựng các công trình công cộng; nâng cấp đường tỉnh lộ 446 và các tuyến đường liên xã, liên thôn; cải tạo, cứng hóa hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng và nhiều hạng mục khác. Tham quan một vòng cho thấy, sau gần 15 năm, bức tranh nông thôn của 3 xã đã khác hoàn toàn. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế đã từng bước hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Mạng lưới giao thông của 3 xã đã được đầu tư cải tạo toàn diện, các con đường đều đã được nâng cấp và bê tông hóa, cảnh nắng bụi, mưa lầy giờ chỉ còn trong ký ức. Hệ thống điện được quy hoạch xây dựng cơ bản, đáp ứng tốt nhu cầu dùng điện cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Các trạm y tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân đã hoàn chỉnh và cơ bản đạt chuẩn y tế quốc gia với cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh đồng bộ và đội ngũ y, bác sĩ chuẩn hóa về trình độ. 

Kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển bền vững, tại xã Yên Bình, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình tích cực của địa phương sau 15 năm về huyện Thạch Thất. Được biết năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Yên Bình chỉ mới đạt 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng/người/năm thì đến hết 6 tháng đầu năm 2023 những con số này đã chuyển biến rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 68 triệu đồng/năm, tăng 58 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2007 là 14,2% thì đến hết năm 2022 con số đó chỉ còn 0,25%. Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Môi trường văn hóa xã được bảo tồn và phát triển, 6/6 thôn đều có Nhà văn hóa.

 

Còn xã Tiến Xuân đã có sự thay đổi rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế - văn hóa - xã hội. Hiện đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn; tiểu thủ công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề may mặc, cơ khí, đồ mộc, chế biến nông, lâm sản; hình thức sản xuất nông nghiệp có sự thay đổi, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất đã thể hiện rõ nét… Nhờ vậy, các chỉ tiêu xây dựng địa phương luôn đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại. Thu nhập đầu người đạt 80 triệu/người/năm, tăng 60 triệu đồng so với năm 2007; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 03 hộ theo tiêu chí mới, chiếm 0,17%; 100% thôn của xã đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 94,5%. Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Xã Tiến Xuân vươn lên mạnh mẽ.

Đối với xã Yên Trung, những năm qua, nhờ được cấp trên quan tâm đầu tư toàn diện về cơ sở hạ tầng nên địa phương có điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực tập trung phát triển và đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đồng chí Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết: “Cùng với sự đầu tư của cấp trên và sự nỗ lực của địa phương, sau 15 sáp nhập về Hà Nội cơ cấu kinh tế của địa phương ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Tổng giá trị sản xuất năm 2008 của xã chỉ đạt 27,5 tỷ đồng, đến hết năm 2022 con số này của địa phương đã tăng lên gần 260 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của xã tính đến hết năm 2022 đạt hơn 64 triệu/người/năm, tăng hơn 59 triệu đồng so với năm 2008. Hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa chuyển biến rõ nét cả về quy mô và chất lượng. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. 03 trường học các cấp mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. 4/4 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, trên 90% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.

Rời 3 xã trên những con đường nhựa, đường bê tông, nhìn những ngôi nhà cao tầng mới đang từng ngày vươn lên giữa màu xanh bạt ngàn của rừng keo, đồi chè; nhìn nhân dân hăng hái sản xuất trên những cánh đồng, chúng tôi thêm tin tưởng hơn trong tương lai không xa, 3 xã sẽ trở thành những địa phương có nền kinh tế năng động của Thủ đô. 

Thuận Nhân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ