A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông thôn Hà Nội có nhiều đổi mới

 

QPTĐ-Theo bà Hoàng Thị Huyền, Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) thành phố Hà Nội: “Trong 2 năm 2016-2017, Thành phố có 3 huyện (Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, Thành phố có 4 huyện và thêm 93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến nay lên 294 xã, chiếm 76,16%. Đến nay, toàn Thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,19 tiêu chí/xã, tăng 0,47% so với năm 2015”.

 

 

Môi trường xanh, sạch, đẹp tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

                                                   Ảnh: Infonet


2 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, cùng với việc kế thừa kết quả xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhiệm kỳ trước; diện mạo nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi đáng kể, trong đó có nhiều hạng mục có tính đột phá; hạ tầng kinh tế-xã hội khang trang, giao thông thuận lợi, từng bước xây dựng các khu dân cư xanh-sạch-đẹp; các thiết chế văn hoá-thể thao và hệ thống dịch vụ công cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân; thu nhập, đời sống nhân dân ổn định và nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh nông thôn được giữ vững.


Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng; đã quản lý tốt công tác phòng trừ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi.

 

Cùng với đó, công tác dồn điền, đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Toàn Thành phố đã dồn điền, đổi thửa đạt 104,2% kế hoạch, tăng 2.291,3 ha so với cuối năm 2015; đã cấp được 616.704 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa đạt 99,1%, tăng 61,4% so với năm 2015.

 

Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường mạnh hơn; việc củng cố, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được coi trọng, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành mô hình “4 nhà”, “6 nhà” đi vào thôn, xã và hộ nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.


Hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn tăng cường; các huyện, thị xã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; đường làng, ngõ xóm kiên cố hoá, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, nội đồng bảo đảm nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cấp và xây mới các trường học, bảo đảm nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương; xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua sắm các thiết bị cho các nhà văn hoá thôn, trạm y tế bảo đảm bảo đảm sinh hoạt cộng đồng và nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

 

Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâo cao, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2017 trên toàn Thành phố đạt 86,06% (vượt 3,26% so với kế hoạch đề ra).


Đạt được kết quả đó, theo bà Hoàng Thị Huyền, kinh nghiệm bước đầu đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở và việc chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Chương trình Thành ủy, các sở, ngành Thành phố, quận, huyện, thị xã và các xã nâng cao công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương tổ chức thực hiện bảo đảm mục tiêu đề ra.

 

Ngân sách Thành phố đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể đầu tư XDNTM từ 2016-nay là 25.093,3 tỷ đồng. Mặt khác, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp XDNTM. Kết quả, từ năm 2016 đến nay là 2.248,9 tỷ đồng, tiêu biểu trong phong trào toàn dân chung sức XDNTM từ 2016 đến nay có 234 cá nhân, hộ gia đình đã đóng góp trên 100 triệu đồng.

 

Đặc biệt có hộ đóng góp tới 10 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế xã như hộ gia đình ông Hoàng Việt Hùng, số 68 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (nguyên quán xã Mai Lân, huyện Đông Anh).

 

Ngoài ra, trình độ lý luận và thực tiễn của cán bộ làm công tác XDNTM từ Thành phố đến cơ sở được nâng lên rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; Thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quan điểm XDNTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và xã hội; đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân chung sức XDNTM”, tiếp tục tăng cường huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng, dân cư.

 

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp từ Thành phố đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của địa phương; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, công tác bố trí và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có vai trò quyết định đến kết quả XDNTM.


Trần Hiền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ