A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV

 

QPTĐ-Ngày 2-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) thành phố Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV trên địa bàn Thành phố.

 

 

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khảo sát, đánh giá năng lực địa điểm

cách ly người dân trở về từ vùng dịch.

Ảnh: Phạm Luân


Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố về việc phòng, chống bệnh do nCoV. Phải coi công tác phòng, chống bệnh nCoV như “chống giặc”; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong, phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất bệnh này theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để lan rộng.


Sở Y tế Hà Nội với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona thường xuyên, chủ động cập nhật, phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình, diễn biến chiều hướng phát triển, kịp thời tham mưu UBND Thành phố các giải pháp tăng cường hoạt động phòng, chống bệnh nCoV; chỉ đạo các bệnh viện được phân công sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và xử lý tại chỗ, đặc biệt là thực hiện cách ly người bệnh không để lây nhiễm…


Chỉ thị cũng nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống bệnh nCoV trên địa bàn, trước UBND Thành phố. Các địa phương phải thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona tại địa phương do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã làm Trưởng ban; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh này.


Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona gây ra tại địa phương.


Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng ký ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp số mắc bệnh và tử vong.


Kế hoạch phân loại cấp độ dịch bệnh thành 4 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập; Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn Thành phố; Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn Thành phố với trên 20 trường hợp mắc; Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc. Ở mỗi cấp độ dịch bệnh, UBND Thành phố lên kế hoạch chi tiết về các nội dung hoạt động gồm 4 nội dung: Công tác chỉ đạo kiểm tra; công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh; công tác truyền thông; công tác hậu cần.


Cũng liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, ngày 2-2, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 344/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên các cấp học: Bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị giáo dục trực thuộc trên địa bàn thành phố Hà Nội được nghỉ học từ ngày 3-2 đến hết ngày 9-2-2020.


Cập nhật về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 11h30 ngày 3-2-2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. Tuy nhiên, ngành Y tế Thủ đô cũng đã tiến hành cách ly 29 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, trong đó có 15 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV; 14 trường hợp đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.


Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tổng số trường hợp tiếp xúc gần là 104; số trường hợp phải giám sát y tế là 40. Ngoài ra, có 64 trường hợp đã được kết thúc giám sát y tế. Riêng ngày 2-2, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục giám sát 3 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV ở huyện Đông Anh, huyện Ba Vì và quận Đống Đa.


Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 5 bệnh viện tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân. Cụ thể, bệnh nhân trẻ em được tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; bệnh nhân người lớn được tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị tại các bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Thanh Nhàn.


Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố 3 số điện thoại đường dây nóng, gồm: 0969082115; 0949396115; 0916865570 và email: gsdich2020@gmail.com để tiếp nhận các thông tin về phòng chống dịch bệnh nCoV.


Đức Minh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ