A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ vướng mắc nhờ Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân

 

QPTĐ-Nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân, giải quyết dứt điểm các vấn đề dân sinh bức xúc ngay từ cơ sở thì việc duy trì tổ chức thường niên đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là rất quan trọng. Đây không chỉ là “nhiệm vụ bắt buộc”, nhiều quận, huyện còn coi đây là giải pháp quan trọng để tạo sự đồng thuận, giúp phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn. Chuyển biến này xuất phát từ Quyết định số 2200, ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn Thành phố. Trong đó, Thành ủy yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm. Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm thông báo kết luận, kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc… Điều này giúp cho công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung cho có. 

 

 

Đại biểu HĐND Thành phố tiếp công dân tại quận Thanh Xuân. 
 

Đối thoại là diễn đàn để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, cùng trao đổi, bàn bạc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế-xã hội. Cách đối thoại trực tiếp, chủ động sẽ giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tránh được những cuộc đối thoại thụ động khi các vấn đề đã trở nên phức tạp. Những cuộc đối thoại cũng chính là cầu nối giúp cho cấp ủy và nhân dân gần gũi hơn, góp phần tăng cường mối quan hệ máu thị giữa nhân dân với Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, Thành ủy Hà Nội cũng luôn xác định công tác đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

 

Đồng chí Tô Văn Sáng, Chủ tịch UBMTTQ huyện Phúc Thọ cho biết: Huyện chỉ đạo là đối thoại ở cấp xã trước. Tức là tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND với nhân dân địa phương. Trên cơ sở đó, những nội dung mà nhân dân cần đối thoại, cần hỏi với cấp ủy, chính quyền cơ sở thì sẽ được cấp ủy, chính quyền cơ sở mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp trả lời. Còn những nội dung thuộc thẩm quyền cấp huyện thì sẽ được trả lời trong hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện với nhân dân.


Từ thực tế ở huyện Phúc Thọ cho thấy, qua đối thoại, nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm đã được giải quyết thấu đáo, được nhân dân đồng tình. Đơn cử như các vụ việc vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều năm tại xã Liên Hiệp, gây bức xúc trong nhân dân, nay đã được huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, giải tỏa triệt để các vi phạm. Ông Đỗ Hữu Giáp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ chia sẻ: Đối thoại giữa các đồng chí cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, chúng tôi thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng; đây cũng là vấn đề quyết định thành công trong thời gian vừa qua ở địa phương. Tôi thấy, từ cấp huyện, đến cấp xã, trực tiếp đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tiếp xúc với nhân dân; các gia đình vi phạm; các đồng chí cụm trưởng dân cư đều được mời lên gặp gỡ. Trước khi giải tỏa đều có thông báo, giải thích cho nhân dân để nhân dân hiểu và thống nhất. Và khi đó thực hiện sẽ thành công.


Với huyện Phú Xuyên, từ Quyết định số 2200 của Thành ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức được 8 cuộc đối thoại thường kỳ và đột xuất với dân để giải quyết những vấn đề: Đất đai; xây dựng nông thôn mới; cơ chế chính sách… Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của huyện đã nắm bắt kịp thời tình hình, thấy nơi nào xuất hiện những vấn đề bức xúc là vào cuộc giải quyết ngay. Nhờ cách làm như vậy, hiện nay về cơ bản, gần 30 kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn đã cơ bản được xem xét giải quyết. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên xác định: Mối liên hệ giữa cấp ủy và nhân dân có tốt hay không chính từ những nguyện vọng chính đáng của người dân được cấp ủy, chính quyền lĩnh hội, tiếp thu, giải quyết kịp thời. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc tốt hơn nữa theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Nội dung của cuộc đối thoại, đặc biệt là chỉ đạo giải quyết kiến nghị của người dân sẽ được ghi rõ vào biên bản. Điều này không chỉ giúp cho từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt mà còn giúp cho nhiệm vụ chung đạt hiệu quả hơn. 


Từ sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và từ điển hình một số địa phương, đến nay, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Thống kê cho thấy, MTTQ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 42 hội nghị định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hơn 11.000 lượt người dân tham gia góp ý; tổ chức 30 hội nghị đột xuất với gần 3.600 lượt người dân tham gia góp ý kiến. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 433 hội nghị đối thoại định kỳ, 173 hội nghị đối thoại đột xuất. Kết quả đã có 95% các ý kiến của người dân được giải đáp, trả lời trực tiếp tại hội nghị, qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Nhiều vấn đề người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời một cách “thấu lý đạt tình” đã giải tọa và giải quyết rứt điểm. 


Với những cách làm chủ động đã giúp các địa phương tạo đồng thuận hơn từ cơ sở, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc phục vụ nhân dân.


Hà Anh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ