A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào trong kháng chiến

 

QPTĐ-Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào đã có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945) và Chính phủ Lào Ít-xa-la (12/10/1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam-Lào lên tầm liên minh chiến đấu.

 

 

Văn nghệ chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào thành phố Hà Nội.

 

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt (16/10/1945). Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Trong những năm 1945-1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân. Ngay từ đầu, các đơn vị này đã gắn bó chặt chẽ với các đơn vị vũ trang yêu nước Lào trong xây dựng lực lượng và chiến đấu, cùng với một số đơn vị bộ đội của Việt Nam sang phối hợp với bạn chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy mạnh kháng chiến.


Từ năm 1948, lực lượng quân sự của Việt Nam tại Lào đã từng bước được tổ chức thành các đơn vị độc lập với quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Ngày 30/10/1949 được lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.


Tháng 4/1950, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện hoạt động trên chiến trường Bắc Lào thành 3 Phân khu (A, B, C), được biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Ở Trung Lào, lực lượng Quân tình nguyện có Trung đoàn 120, sau đổi phiên hiệu thành Đoàn 280. Ở Hạ Lào, Quân tình nguyện có một số đại đội và trung đội. Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 ở Việt Nam, bước sang năm 1951, theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam-Lào, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh tiếp tục tăng cường cán bộ và bộ đội tình nguyện sang chiến trường Lào, đưa tổng số quân lên khoảng 12.000 người.


Tháng 4/1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện ở Bắc Lào và Tây Lào, thành lập Ban Cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào. Về mặt tổ chức, Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào có 4 Đoàn: 80, 81, 82 và 83 (mỗi Đoàn tương đương một trung đoàn) phụ trách hoạt động giúp bạn trên một địa bàn. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với Quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào đã phối hợp chiến đấu loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn gần 100.000 km2, cô lập và tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.


Trong những năm 1954-1959, ta chủ trương chuyển từ chế độ Quân tình nguyện sang chế độ Cố vấn quân sự (từ năm 1959 gọi là chuyên gia quân sự). Về mặt quân sự, Trung ương Đảng ta đặt chế độ Cố vấn tách khỏi hệ thống Quân tình nguyện, thực hiện ở 3 cấp: Bộ Quốc phòng, Trường Quân chính và các đơn vị, địa phương.


Sau năm 1965, theo thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Chính phủ, Việt Nam tiếp tục tăng cường các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, trường kỳ, gian khổ, hi sinh, với bao chiến dịch lớn, nhỏ, đập tan mọi âm mưu, sách lược, chiến lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Với vai trò nòng cốt, Quân tình nguyện Việt Nam đã chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đẩy mạnh các hoạt động tác chiến ở vùng Trung và Hạ Lào, cùng thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy tại khu vực Đường 9-Nam Lào. Những thắng lợi về quân sự của quân và dân hai nước trong các Chiến dịch: Đường 9-Nam Lào (01/1971), Cánh đồng Chum-Mường Sủi (4/1972), Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (11/1972)…đã làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi từng bước về quân sự, hỗ trợ cuộc đấu tranh chung của nhân dân nước bạn Lào, đánh bại 2 Chiến lược: Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh đặc biệt tăng cường của đế quốc Mỹ ở Lào, góp phần thúc đẩy tình thế, cùng với các đòn tiến công và nổi dậy của quân dân Nam bộ, Tây Nguyên trên chiến trường Việt Nam, làm cho quân địch thất bại từng bước tiến tới thất bại hoàn toàn.


Qua liên minh chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam được nhân dân các bộ tộc Lào tin yêu, coi như con em của bộ tộc mình. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước Lào tặng thưởng  các phần thưởng cao quý; lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào được Nhà nước Việt Nam trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 


Những đóng góp to lớn của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố vững chắc tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước và hai quân đội Việt Nam-Lào, xây dựng mối quan hệ “Hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.


Hồng Đỗ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ