A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên xung phong ra đời và trưởng thành trong gian khó

 

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

 


Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh-nơi lưu giữ nhiều kỷ vật của TNXP.


Đó chính là 4 câu thơ nổi tiếng của Bác Hồ tặng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam ngày 20.3.1951, trong chuyến thăm Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (Bắc Kạn), Kể từ đó, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đều ghi nhớ lời dạy quý báu của Bác. Chính nhạc sĩ Hoàng Hòa cũng đã phổ nhạc thành bài “Đoàn ca” nổi tiếng.


Có thể thấy, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, tất cả sẽ đi vào lịch sử nhưng những tấm gương anh hùng, sự hy sinh quả cảm của những người con ưu tú, trong đó có các chiến sĩ TNXP sẽ mãi còn được khắc ghi trong ký ức của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, sẽ mãi mãi bất tử, được khắc tạc vào truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường của dân tộc. 


Quay trở lại với lịch sử, theo các tài liệu, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, ngày 15/7/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, với 225 đội viên, nhằm phục vụ Chiến dịch Biên giới. Mục đích thành lập đội TNXP để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng, làm trường học lớn đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội tương lai.


Đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới, để phát huy vai trò xung kích của thanh niên đối với cuộc kháng chiến, Bác Hồ đã chủ trương thành lập Đội Thanh niên xung phong. Ngày 15/7/1950, theo Chỉ thị của Bác Hồ, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương họp mở rộng và giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức thành lập Đội Thanh niên xung phong để tham gia phục vụ Chiến dịch Biên giới.

 

Theo đó Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng Lĩnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đội có nhiệm vụ: Sửa chữa cầu đường, mở tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến. Lúc đầu, Đội có 225 đội viên, chia thành ba liên phân đội, có tổ chức Đảng và Đoàn thuộc Đảng bộ Tổng cục Cung cấp toàn mặt trận, trực thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Lực lượng TNXP đã góp phần tiêu diệt căn cứ điểm Đông Khê, mở màn cho Chiến dịch Biên giới; tiếp đến là trận Nậm Nang, Cốc Xa… hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Biên giới, mở đầu trang sử vẻ vang của thanh niên xung phong Việt Nam.


Trong kháng chiến chống Pháp, TNXP góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ, đội viên TNXP đã đảm bảo giao thông thông suốt ở các toạ độ lửa như đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi… Đặc biệt, TNXP luôn sát cánh cùng LLVT có mặt ở các tuyến đường chiến lược, ở những trọng điểm ác liệt của chiến tranh, giáp mặt với quân thù, với tinh thần quên mình phục vụ, bất chấp sự hy sinh, gian khổ, xung kích mở đường, chuyển lương, tải đạn, kéo pháo, đào hầm phục vụ chiến đấu. Đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vai… là những địa danh gắn liền với Chiến dịch Biên giới, Trung Du, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, ghi đậm dấu ấn về sự cống hiến và hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong.


Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, TNXP luôn đi đầu trong thực hiện phong trào thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế.


Bước sang 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. Ngày 21/6/1965, để chi viện cho chiến trường, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71 thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung phục vụ công tác mở đường và giữ vững mạch máu giao thông thông suốt trong bất kỳ mọi tình huống. Đây là quyết định quan trọng để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Phát huy truyền thống của TNXP và quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hay “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, trên 200.000 TNXP chống Mỹ cứu nước đảm bảo huyết mạch giao thông. Những địa danh ghi đậm chiến công của TNXP thời kỳ này có thể kể đến như: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, Đường 20 Quyết Thắng, núi Nhồi… Có thể thấy, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, TNXP cũng như bộ đội đã có những hy sinh, mất mát to lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam, có hơn 5.000 liệt sĩ và hàng vạn  thương binh TNXP trên khắp mọi miền đất nước. Họ chính là biểu tượng rực rỡ của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên ta.


Theo nguyện vọng của lớp lớp cán bộ đội viên TNXP, ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ khi đó là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 382/TTg lấy ngày 15-7 hàng năm làm ngày truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam. 


Ngân Mỹ 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ