A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến trường Syria: Ván cờ mới Nga-Mỹ?

 

Hòa đàm về ngừng bắn ở Syria có sự chứng kiến của Đặc phái viên Liên hợp quốc do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ diễn ra tại Astana trong tuần qua, tuy không đạt được kết quả như ý muốn nhưng Chính phủ Syria và phe đối lập lần đầu tiên chịu ngồi lại với nhau cũng là một bước tiến. Quan trọng hơn, sau 2 năm dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc về tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Syria, các phe phái đối lập chống Chính phủ Syria đã thành lập một tổ chức đại diện để thương thảo và hai bên đạt được những thỏa thuận về ngừng bắn, hỗ trợ hoạt động nhân đạo cho người dân nằm trong vùng chiến sự. Tuy nhiên, phiến quân Hồi giáo IS và Mặt trận Al-Nusra (dù đã đổi tên J.F.Al-Sham) bị Liên hợp quốc liệt vào danh sách khủng bố quốc tế không thuộc đối tượng ngừng bắn. Mỹ được mời là một bên bảo trợ Hòa đàm Astana, Washington từ chối không tham gia nhưng tuyên bố sẽ tôn trọng kết quả hòa đàm. 

 

 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

 

Một sự kiện khác được dư luận chú ý là, Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson sẽ chủ trì cuộc gặp gỡ và trao đổi với đại diện lãnh đạo 68 quốc gia trong liên minh chống khủng bố Hồi giáo IS dự kiến vào ngày 22-23/3/2017 tại thủ đô Washington, giới báo chí gọi là “Hội nghị 68!” Đáng quan tâm, Mỹ không mời Nga tham dự hội nghị mặc dù trên chiến trường Syria, Nga đã chứng minh khả năng chống khủng bố có hiệu quả? Dư luận cho rằng: Mỹ tự khẳng định, liên minh 68 nước do Mỹ đứng đầu đủ sức chống khủng bố quốc tế và tiêu diệt sạch phiến quân IS mà không cần sự hợp sức của Nga? Trong khi Điện Kremlin trả lời báo chí: Nga không tham gia liên minh 68 nước nên Moskva không tham dự hội nghị cũng là chuyện đương nhiên!

 

Vì sao Mỹ, Nga cùng tuyên bố tham gia chống khủng bố quốc tế, quyết tâm quét sạch phiến quân IS mà lại không cùng chiến hào chống khủng bố ở Syria? Phải chăng Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump đang đi những nước cờ mới về giải quyết xung đột và chống phiến quân Hồi giáo ở quốc gia Trung Đông này?

 

Sau gần một năm rưỡi, kể từ 30/9/2015, Nga đưa Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) tham gia chống khủng bố ở Syria, bảo vệ sự tồn tại của Chính phủ do Tổng thống B.al-Assad cầm quyền. Quân đội Syria (SAA) được VKS-Nga và Vệ binh Iran, Hezballah- Liban hỗ trợ đã lấy dần lại thế chủ động trên chiến trường. Hiện, quân Chính phủ đã giải phóng một loạt các tỉnh, thành phố: Damass, Latakia, Palmyra, Aleppo, Hama, Homs, Idlib, Deir Ezzor. Tháng 3/2017, Dân quân người Kurd nhường đất đai cho Quân đội SAA theo chính sách giao nộp vũ khí, hòa nhập để Quân đội Syria giao chiến với quân FSA được Thổ hậu thuẫn ở ngoại ô thành phố Manbij. Dường như đây là ván bài ngửa của Nga-Mỹ hiếm hoi hợp tác, để nhường cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) rảnh tay đánh chiếm Raqqa-“Thủ phủ IS”, nâng cao vị thế trên bàn đàm phán chính trị chia miếng bánh Syria?

 

Cuối năm 2016, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ sau vụ Thổ bắn lén chiến đấu cơ Su-24 của Nga trên đường đi ném bom tiêu diệt phiến quân trở về. Dường như được Nga “bật đèn xanh”, Thổ đưa hàng ngàn binh sĩ, cùng xe tăng, pháo hạng nặng tràn qua biên giới, xâm nhập Syria với Chiến dịch “Lá chắn Euphrates”. Và Ankara đã thành công. Họ hậu thuẫn Lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) chống Chính phủ đương nhiệm, Thổ đồng thời chống phiến quân và lập vùng đệm khoảng 5.000 km2 vào sâu lãnh thổ Syria có đoạn từ 15-40 km. Giới quân sự cho rằng: Thực chất của “Lá chắn Euphrates” là cái cớ để Thổ tấn công tiêu diệt Lực lượng người Kurd đang âm mưu thành lập Nhà nước tự trị người Kurd ở Syria và Iraq mà Thổ coi là khủng bố. Các tổ chức người Kurd như Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd Syria (YPG), Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mấy chục năm nay luôn tuyên chiến với Ankara!

 

Trớ trêu thay, nhóm Dân quân người Kurd ở Syria lại được Mỹ hậu thuẫn. Mỹ coi nhóm người Kurd này đang chiến đấu chống phiến quân IS có hiệu quả ở Syria! Không những vậy, Thổ là thành viên NATO, là đồng minh thân cận của Mỹ. Tổng thống Thổ T.Erdogan chưa từ bỏ ý định lật đổ Tổng thống Syria B.al-Assad, thân Nga! Vậy là, Thổ được xem như kẻ hai mặt vô cùng nguy hiểm đối với Chính phủ đương nhiệm Syria (thân Nga) và Lực lượng người Kurd (thân Mỹ)?

Liên minh đa quốc gia do Mỹ cầm đầu tuyên bố chống Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng (từ 12/2014) hiệu quả không cao, nên “Hội nghị 68” được cho là có quy mô lớn, quan trọng nhất. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “Hội nghị 68” sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế nhằm đánh bại phiến quân IS ở các khu vực mà chúng còn chiếm đóng tại Syria, Iraq; cùng với đó là tối đa hóa áp lực lên mạng lưới của chúng. Tuy nhiên, Nga và Iran là 2 quốc gia đang trực tiếp tham chiến chống IS tại Syria lại không được mời tham gia hội nghị quan trọng này?

 

Với Iran, Mỹ còn rất dè dặt cải thiện quan hệ do những bất đồng về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran. Những rào cản ban đầu giữa Mỹ và Iran được tháo gỡ tại “Thỏa thuận hạt nhân P5+1” dưới thời Tổng thống B.Obama lại bị phủ bóng đen khi tân Tổng thống Mỹ D.Trump cho rằng, “Tehran tài trợ khủng bố?” Nên Mỹ khó có thể hợp tác với Iran ít nhất là trong thời gian này. Nhưng với Nga thì hoàn toàn khác. Hình như nước Mỹ khá tự tin với liên minh 68 quốc gia có thể xóa sổ khủng bố quốc tế hay Washington chưa đủ niềm tin với Điện Kremlin?

Thật ra, từ thời Chiến tranh Lạnh và hiện nay, Mỹ-Nga là hai thái cực, khó có thể là đồng minh nếu như không muốn nói hai bên đều cho đối tượng của mình là phía bên kia cần cảnh giác, khó có tiếng nói chung của người cùng chiến tuyến, mặc dù chỉ là một động thái nhất thời! Tổng thống D.Trump chỉ thị cho Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Quốc phòng J.Mattis trong 30 ngày phải lên được kế hoạch quét sạch phiến quân IS mà phớt lờ sự hợp tác với Nga ở Syria!

 

Cuộc xung đột nội bộ phe phái ở Syria từ năm 2011 kéo dài 6 năm làm hơn 400 ngàn người tử nạn và hàng triệu người thương vong, mất nhà cửa chưa có hồi kết khi các lực lượng quốc tế tham gia, hậu thuẫn. Ván bài Syria phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của Nga, Mỹ với những toan tính địa-chính trị Trung Đông. Ngày 9-10/3 vừa qua, Tổng thống Thổ T.Erdogan thăm Nga, ký với Tổng thống V.Putin hàng chục văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng và chống khủng bố. Liền đó, Thủ tướng Israel B.Netanyahu thăm Nga nhưng không toại nguyện như mong đợi?  Syria và Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu bình yên!

 

 Nhật Kiều


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ