A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luận bàn về văn hoá đọc: Giới trẻ nghĩ sao về Ngày văn hoá đọc

QPTĐ-Ngày Văn hoá đọc 21/4 là dịp để tôn vinh giá trị của sách và khơi dậy niềm yêu thích đọc trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ – những người đang sống trong guồng quay số hóa, nơi tốc độ tiêu thụ thông tin ngày càng nhanh và ngắn. Giữa nhịp sống hiện đại ấy, câu hỏi đặt ra là: Giới trẻ còn mặn mà với sách hay không? Và nếu có, thì họ đang đọc gì, đọc như thế nào – liệu đó có còn là văn hoá đọc truyền thống hay đã chuyển mình thành một dạng thức mới của thời đại số?

Sách đọc truyền thống vẫn mang một sức hút lớn đối với nhiều người. ​​​

Khi văn hoá đọc không chỉ là chuyện cầm sách

Văn hoá đọc – từ lâu đã được xem như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt. Trong ký ức của nhiều thế hệ, đó là hình ảnh của những tủ sách gỗ cũ kỹ nằm im lìm nơi góc nhà, là tiếng lật trang khe khẽ vang lên trong không gian tĩnh lặng của thư viện, hay là những buổi chiều yên bình ngồi đọc sách dưới bóng cây trong sân trường. Những cuốn tiểu thuyết dày cộp, mang mùi giấy ố vàng và đôi khi là cả mùi thời gian, từng là người bạn thân thiết của biết bao người, gợi mở cả một thế giới tưởng tượng rộng lớn vượt ra ngoài khuôn khổ đời thường.

Thế nhưng bước vào thời đại số, thói quen đọc truyền thống dường như bị thách thức bởi vô vàn lựa chọn khác về cách tiếp cận tri thức. Ngày nay, giới trẻ không còn bó buộc trong trang sách in. Họ đọc trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, đọc bài blog, theo dõi tin tức, e-book, thậm chí nghe sách qua audiobook trên đường đến trường, khi tập thể dục hay ngay cả lúc rảnh tay trong bếp. Việc đọc trở nên linh hoạt, đa phương tiện, phù hợp với nhịp sống nhanh và dồn dập của thế hệ Gen Z.

Giới trẻ đọc gì giữa thời đại bội thực thông tin?

Chưa bao giờ con người được tiếp cận với nhiều thông tin như hiện nay. Chỉ cần vài cú chạm trên điện thoại thông minh, chúng ta có thể tiếp cận hàng ngàn đầu sách, bài viết, video, podcast hay tóm tắt sách ngắn gọn – mọi thứ đều được thiết kế để nhanh, gọn, tiện và hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, việc giới trẻ vẫn duy trì thói quen đọc là một điều đáng trân trọng, nhưng cách họ đọc, và đặc biệt là họ đọc gì, đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Podcast-một trong các loại hình e-book bằng âm thanh thu hút nhiều bạn trẻ ​​​​​.

Phần lớn người trẻ ngày nay tìm đến những cuốn sách mang tính thực tiễn cao. Dễ thấy nhất là các đầu sách thuộc dòng self-help, phát triển bản thân, kỹ năng mềm, quản lý tài chính cá nhân, tâm lý học ứng dụng, khởi nghiệp hay làm chủ cảm xúc. Những thể loại này không chỉ cung cấp kiến thức ứng dụng ngay trong đời sống, học tập và công việc, mà còn mang lại cảm giác “đọc để giải quyết vấn đề”, phù hợp với tư duy thực dụng tích cực của nhiều bạn trẻ hiện đại. Cùng với đó, dòng sách truyền cảm hứng bao gồm cả hồi ký của người nổi tiếng, doanh nhân, nhà sáng lập start up hay những câu chuyện vượt khó cũng được ưa chuộng, vì nó phản ánh khát vọng khẳng định bản thân và chinh phục thử thách của thế hệ Gen Z.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ vẫn dành chỗ trong tâm hồn mình cho những cuốn sách văn học – dù không quá phổ biến như trước. Thay vì những tác phẩm kinh điển, nhiều bạn trẻ tìm đến văn học đương đại nước ngoài, đặc biệt là văn học Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc phương Tây với những tác giả như Haruki Murakami, Higashino Keigo, Han Kang hay Colleen Hoover. Những tác phẩm này thường mang lối viết gần gũi, đề cập đến các vấn đề tâm lý, cô đơn, khủng hoảng tuổi trẻ – những điều mà người trẻ dễ đồng cảm và soi chiếu chính mình. Một số bạn khác còn yêu thích dòng sách trinh thám, giả tưởng hoặc sách kỹ thuật số chuyên ngành, cho thấy sự đa dạng trong nhu cầu đọc.

Người trẻ nói gì về văn hoá đọc?

Bạn Anh Đào (22 tuổi, sinh viên ngành Ngôn ngữ, Hà Nội): “Mình không có nhiều thời gian để đọc sách giấy nên thường lựa chọn e-book đọc ngay trên điện thoại hoặc tablet, tiện lợi và dễ mang theo. Mỗi khi có chút thời gian trống, như lúc chờ xe hay trước khi ngủ, mình tranh thủ mở sách ra đọc. Dòng sách mình quan tâm thường là văn học Nhật. Đó những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng nhiều dư vị, khiến mình suy ngẫm rất lâu sau khi gấp lại”

Bạn Nhật Minh (18 tuổi, học sinh ) chia sẻ: “Tụi em đọc nhiều hơn mọi người nghĩ vì là học sinh cuối cấp chỉ là không phải lúc nào cũng là sách giấy truyền thống. Em đọc blog, nghe podcast, xem phân tích phim, đọc bài trên mạng xã hội... Tất cả đều là cách để tiếp nhận thông tin và mở rộng góc nhìn. Nhưng sách thì vẫn rất khác. Khi cầm một cuốn sách lên, em cảm thấy phải tập trung, phải chậm lại để hiểu sâu, để suy nghĩ. Nó không chỉ là chuyện đọc chữ, mà là một quá trình lắng đọng lại giữa một thế giới quá nhiều tiếng ồn.

Để Ngày Văn hoá đọc không chỉ là một ngày lễ

Một ngày 21/4 là chưa đủ để cứu vãn hay làm thay đổi tận gốc văn hoá đọc của xã hội. Bởi lẽ, văn hoá không thể được xây dựng chỉ trong một ngày lễ – nó cần được nuôi dưỡng mỗi ngày, như một thói quen sống, một nét đẹp thường trực trong đời sống tinh thần. Điều quan trọng hơn là cách chúng ta gieo mầm và gìn giữ tinh thần đọc ấy – bắt đầu từ gia đình, lan tỏa qua nhà trường, được tiếp sức bởi truyền thông, và đặc biệt là nâng đỡ bằng các chính sách công có chiều sâu.

Sách truyền thống không bị mai một, vẫn được các bạn trẻ tiếp cận và yêu thích

Đưa sách đến gần người trẻ không chỉ là phát hành thật nhiều đầu sách hay, dù điều đó rất cần thiết. Thách thức nằm ở việc làm cho sách trở nên sống động, gần gũi và hấp dẫn giữa thời đại của TikTok, Instagram và hàng loạt nội dung "mì ăn liền". Đó là khi việc truyền thông về sách cần được đổi mới – từ cách kể chuyện, cách giới thiệu, cho đến việc tạo ra những cộng đồng yêu sách sôi nổi cả trên mạng lẫn ngoài đời. Là khi thư viện không còn là nơi im lặng và cũ kỹ, mà trở thành không gian mở thân thiện, sáng tạo, có thể tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, trải nghiệm sách theo cách mà giới trẻ thấy mình thuộc về.

Trần Quỳnh Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội