A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ra đi hẹn ngày về

 

QPTĐ-Là người con của Hà Nội, tôi được trực tiếp đi trong đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô 10-10-1954. Những ngày tháng hào hùng đó luôn in đậm trong tôi.

 

 

Đoàn quân chiến thắng trở về.


Cách đây 73 năm, năm 1946, khi đó ta mới giành được chính quyền từ tay bọn giặc Pháp và phát xít Nhật, chúng để lại một đất nước đói nghèo và lạc hậu. Khi đó chính quyền của ta chưa kịp củng cố, phục hồi. Đất nước thì thù trong, giặc ngoài luôn rình rập phá hoại chính quyền non trẻ của ta. Với danh nghĩa quân Đồng minh, giặc Pháp được vào Việt Nam thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Lợi dụng trong lúc chính quyền non trẻ của ta gặp muôn vàn khó khăn về mọi mặt, thực dân Pháp cố tình gây chiến tranh với ta nên chúng luôn khủng bố, tàn sát dân ta ở Hải Phòng và một số phố ở Hà Nội như Phố Huế, chợ Đồng Xuân, Hàng Bún, Yên Ninh… và chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi ngày 20-12-1946 tước vũ khí của lực lượng vũ trang của ta. Chúng muốn bắt dân ta làm nô lệ một lần nữa.

 

 

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội về căn cứ kháng chiến, tháng 2-1947.


Trước hoàn cảnh đó, ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.


Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

 

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. 


Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả Hà Nội đều nhất tề đứng lên chống giặc cứu nước. Nhân dân Hà Nội cho phá đường, ngả cây, tất cả của cải, vật dụng như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, giường, phản, nồi niêu bát đĩa, thậm chí cả bàn thờ đều được nhân dân đem ra đường phố lập chiến lũy, làm ụ chiến đấu để chống giặc. Các dãy phố thì đục tường nhà nọ sang nhà kia làm đường giao thông liên hoàn; bí mật lập thành một trận đồ bát quái trong thành để đánh giặc.


Những thanh niên nam nữ, các em nhỏ nhi đồng, thiếu niên, có em mới 9 tuổi, các cụ 50, 60 tuổi đều tham gia vào các đội Tự vệ thành. Sau này họ đều trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch đã diễn ra. Bởi giặc Pháp là đội quân nhà nghề, có hải, lục, không quân, có đầy đủ các loại vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ. Còn bên ta thì chủ yếu là vũ khí thô sơ, dao găm, giáo, mác, một số súng trường thuộc nhiều kiểu khác nhau; chống xe cơ giới bằng lựu đạn và bom ba càng, nhưng chúng ta có lòng yêu nước và cũng đầy lòng căm thù sâu sắc bọn giặc cướp nước, vì vậy, họ không sợ hy sinh, họ chiến đấu vô cùng dũng cảm, và với cuộc chiến đấu không cân sức ấy, họ đã cầm chân địch trong 60 ngày đêm ở Hà Nội và họ đã trưởng thành trong chiến đấu. Ngày 06-01-1947, Trung đoàn Thủ đô được thành lập trong khói lửa, các chiến sĩ trong Trung đoàn phần lớn là những người con Hà Nội. 


Sau Tết Đinh Hợi 1947, ta mất một số vị trí quan trọng vào tay giặc, vòng vây của chúng đối với ta càng thu hẹp lại, bọn Pháp lại huênh hoang tuyên bố chúng sẽ tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô tại Hà Nội một ngày gần đây, vì chúng cho rằng vòng vây của chúng một con chuột cũng không chui qua được thì làm sao cả Trung đoàn vượt qua nổi. Thế nhưng vào đêm 17-02-1947, với sự mưu trí tài tình, với sự táo bạo và dũng cảm, toàn Trung đoàn gồm 1.200 con người đã lặng lẽ vượt vòng vây một cách an toàn ra vùng tự do để sau này cùng toàn dân tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến. Cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Hà Nội đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là cuộc lui quân thần kỳ. Trước khi rút ra khỏi Hà Nội, nhiều chiến sĩ của Trung đoàn đã không cầm được nước mắt, gửi lòng mình trên những bức tường, những ngôi nhà bằng những dòng chữ thân thương viết vội vàng bằng than hay gạch: “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”,  “Hỡi quân xâm lược Pháp, chúng tao sẽ nhất định chiến thắng trở về”,  “Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về”.


Từ cái đêm 17-02-1947 lịch sử ấy, họ đã trở về với nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, họ đã liên tiếp tham gia 12 chiến dịch. Từ Chiến dịch Việt Bắc đến Cao-Bắc-Lạng, Trung du, Đồng bằng, Vùng biển Đông Bắc và 3 chiến dịch Tây Bắc, kết thúc là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ-Chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, để ngày 10-10-1954,  họ trở về Hà Nội, được đón tiếp trong rừng cờ hoa rực rỡ với những tiếng reo hò hoan hô các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương, giải phóng Hà Nội.


Đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội, đi qua các phố Ô Cầu Giấy, Cửa Nam, Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, Hàng Giấy, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu để về sân Cột Cờ. Đoàn quân đi tới đâu là rừng cờ hoa vẫy chào đón với những tiếng hát xen lẫn tiếng hò reo: “Hoan hô các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”… Thật hào hùng và náo nức. Lịch sử Hà Nội có lẽ chưa có ngày nào tưng bừng, vui sướng như ngày hôm nay.


Trong sân Cột Cờ, các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới, quân y đội ngũ trang nghiêm thẳng tắp, các chiến sĩ trang phục mới tinh. Nhân dân Hà Nội ăn mặc chỉnh tề,  trang phục của các cô gái và các em thiếu nhi nhiều màu sắc, tay cầm cờ hoa đứng bao kín phía sau các khối quân đội, trông rực rỡ, đẹp như một vườn hoa khổng lồ.


Đúng 15 giờ, một hồi còi dài từ Nhà hát Lớn vang lên, một hiệu lệnh của lịch sử hòa bình. Cả Hà Nội đều hướng về phía Cột Cờ Hà Nội, bài hát “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thắm, mọi người sung sướng tự hào. Từ nay, Hà Nội sạch bóng quân thù.

 

Phùng Đệ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ