A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính trị-tinh thần: Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của quân dân Thủ đô

Bài 1: Thăng Long-Nơi diễn ra những trận quyết chiến chiến lược

QPTĐ- Sức mạnh chính trị-tinh thần của quân dân Thủ đô không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành và hun đúc trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sức mạnh đó cũng là sự phát huy cao độ giá trị văn hóa nghìn năm của đất kinh đô; là sản phẩm của tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Ảnh: Internet

Mùa Thu năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long, để từ đó vùng đất này trở thành kinh đô mãi muôn đời. Trong lúc Vương triều Lý đang ra sức kiến thiết, xây dựng kinh thành Thăng Long thì nước Đại Việt một lần nữa đứng trước dã tâm của quân xâm lược Tống. Năm 1075, quân Tống tập trung binh lương lớn ở các cảng biển, địa phương gần biên giới, ráo riết chuẩn bị cuộc tiến công lớn bằng hai đường bộ và thủy vào nước ta. 

Thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” (Ngồi yên đợi giặc không bằng ra tay trước để chặn thế mạnh của giặc), Lý Thường Kiệt đã cho quân tiến đánh các cảng Khâm và Liêm; rồi vây diệt thành Ung Châu. Chiến dịch tiến công của Lý Thường Kiệt sang đất địch thành công, bàn đạp Nam chinh của quân Tống bị công phá. Nhưng dã tâm xâm lược Đại Việt của Nhà Tống không suy giảm. 

Năm 1077, đại quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy theo đường bộ với sự hỗ trợ của cánh quân thủy của Dương Tùng Tiên theo đường biển tiến vào nước ta. Quân bộ giặc bị chặn đứng trước phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), quân đường biển bị quân thủy ta do Lý Kế Nguyên chỉ huy chặn ở Mũi Ngọc, Trà Cổ, hai cánh quân địch không phối hợp được với nhau. 

Đó là thời điểm bài thơ “Nam quốc sơn hà” (sông núi nước Nam) ra đời. Tương truyền, bài thơ được Lý Thường Kiệt sai người vào đền thờ Trương Hống và Trương Hát, ban đêm đọc to cho quân sĩ nghe, để khích lệ lòng yêu nước của tướng sĩ, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Đại Việt và quân Tống xâm lược còn đang ở thế giằng co trên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Chủ động đánh giặc từ xa, ngăn và diệt giặc từ sông Như Nguyệt, Thăng Long được bảo vệ nguyên vẹn, khẳng định rõ một chân lý: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.

Trong thời Trần, cả ba lần quân Mông-Nguyên xâm lược nước ta, cả ba lần chúng đều đặt chân lên đất Thăng Long. Nhưng vào được tòa thành trống, quân giặc không thể biến Thăng Long thành bàn đạp tiến công tiêu diệt quân đội và triều đình Nhà Trần, càng không thể biến Thăng Long làm lị sở thống trị non sông Đại Việt. Để rồi, trong khi để cho giặc “trú tạm” trong thành Thăng Long, quân và dân Đại Việt với “hào khí Đông A” trên dưới một lòng, vua tôi đồng thuận, đã lập nên một võ công oanh liệt: 3 lần đánh thắng đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. 

Nguyên nhân của thắng lợi đó là sự đồng lòng của vua tôi nhà Trần. Tất cả các  tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội đều ủng hộ và sẵn sàng tham gia đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Khi được tin quân Mông Nguyên chuẩn bị xâm chiếm nước ta, theo lệnh của các vua Trần, cả nước sắm sửa vũ khí, các đội dân binh được thành lập, ngày đêm tập luyện võ nghệ, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. 

Đó là tinh thần hy sinh, cảm tử, quyết chiến và quyết thắng của quân dân nhà Trần mà nòng cốt là lực lượng quân đội. Tại Hội nghị Diên Hồng, các bậc bô lão thể hiện ý chí quyết tâm đánh giặc rất cao, không e sợ quân địch, đều đồng tâm "Đánh". Quân binh nhà Trần đều khắc lên tay  hai chữ "Sát Thát", với ý nghĩa biểu lộ quyết tâm giết giặc Thát (giặc Thát chính là nguồn gốc của quân Mông Cổ).

Thế kỷ 15 đất nước một lần nữa rơi vào ách đô hộ của giặc Minh. Từ núi rừng Lam Sơn, cách đây hơn 600 năm, mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Trải 10 năm nằm gai nếm mật, quân khởi nghĩa lớn mạnh tiến lên giải phóng đất nước. Một trong những mục tiêu là giải phóng Thăng Long (lúc này mang tên Đông Quan). Sau khi đánh trận tiêu diệt lớn ở Tốt Động-Chúc Động, Lê Lợi-Nguyễn Trãi một mặt thực hiện bao vây Đông Quan bằng quân đội và cả bằng đòn tâm lý chiến, tiến công Vương Thông và quân Minh bằng đạo lý hòa bình, nhân nghĩa Việt Nam. 

Sau chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang đại thắng, quân tiếp viện của nhà Minh thua trận, quân Minh ở Đông Quan phải bước vào “Hội thề Đông Quan” để được an thân rút về nước. Ngày 29-4-1428 (15 tháng tư Mậu Thân), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, đặt quốc hiệu là Đại Việt, niên hiệu là Thuận Thiên. Tại hồ Lục Thủy, nằm ở vị trí đắc địa của kinh đô, từ lâu gắn liền với sự tích trả gươm thần của vua Lê Thái Tổ. Tương truyền, một hôm, nhà vua dạo chơi cảnh hồ Lục Thủy trên một chiếc thuyền nhỏ, bỗng có một con rùa lớn đuổi theo thuyền ngự, cất tiếng đòi lại gươm báu Thuận Thiên. Thanh kiếm thần đeo bên mình nhà vua suốt cuộc kháng chiến, bỗng tuột ra khỏi vỏ, bay về phía rùa thần. 

Nhanh như chớp, rùa thần ngậm ngang thanh kiếm, lặn sâu xuống làn nước xanh thẳm, từ dưới hồ, một vầng sáng bay vút lên trời cao. Tương truyền thanh gươm có khắc 2 chữ “Thuận Thiên” này là do trời ban cho Lê Lợi để khẳng định việc Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa là thuận lòng trời, hợp lòng dân. Nay giặc đã tan, đất nước thái bình, trời lại cử thần rùa thu lại kiếm báu. Sự tích này là một huyền sử đẹp, thể hiện tinh thần yêu chuông hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mãn Thanh, chính nhân dân các vùng Đầm Mực, Ngọc Hồi đã giúp quân của Vua Quang Trung công phá và bao vây, tiêu diệt quân giặc, người dân nội thành Thăng Long cũng có sáng kiến làm “con rồng lửa” đốt trại giặc Thanh. Để rồi quân giặc bị bất ngờ, hoảng loạn mà chịu chết ở Đống Đa hay đạp lên nhau mà chạy, đứt cả cầu phao qua sông Hồng, xác trôi theo dòng nước xiết. Để rồi đoàn quân chiến thắng của Quang Trung-Nguyễn Huệ tiến vào thành giữa rừng người dân chào đón.

Lịch sử của Thăng Long-Hà Nội bao giờ cũng vậy. Dã tâm xâm lược Việt Nam của giặc ngoại xâm hàng bao thế kỷ đều bị đập tan với những trận “quyết chiến chiến lược” trong và ngoài Thăng Long.

PHƯƠNG LINH

 


Thăng Long-Hà Nội-trái tim của cả nước. Với vị trí là Kinh đô-Thủ đô, thời nào Thăng Long-Hà Nội cũng là mục tiêu chủ chốt của các đạo quân xâm lược hòng chiếm ưu thế chính trị-quân sự-kinh tế để thôn tính toàn cõi, áp đặt sự thống trị toàn diện trong cả nước. Song mảnh đất dạn dày lửa đạn này luôn bách chiến bách thắng. Bất cứ kẻ thù hung bạo nào khi chạm tới mảnh đất thiêng này cũng đều thất bại thảm hại và phải tháo chạy. Một trong những yếu tố then chốt quyết định mọi thắng lợi của quân-dân Thủ đô đó là nhân tố chính trị tinh thần. Nó là chất keo kết dính các nhân tố cùng hội tụ để tạo nên sức mạnh vô song chiến thắng mọi kẻ thù. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ