Tây Nguyên-Khúc dạo đầu của Đại thắng mùa Xuân 1975
QPTĐ-Có những mùa Xuân đi vào lịch sử không chỉ bằng hoa đào khoe sắc, mà bằng khí thế bão táp của triệu triệu trái tim cùng chung nhịp đập. Mùa Xuân năm 1975 ấy, Tây Nguyên hùng vĩ đã trở thành nơi khởi phát chiến dịch "thần tốc" làm nên đại thắng vĩ đại nhất của dân tộc.
Chiến dịch Tây Nguyên-Đòn bẩy chiến lược
“Đại thắng năm 1975 là thành công của những ngày tháng trường kỳ kháng chiến, mà ở đó, chiến dịch Tây Nguyên trở thành đòn chiến lược then chốt mở đầu”, Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 25 Tây Nguyên bồi hồi nhớ lại.
Nói về vị trí quan trọng của Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng chia sẻ, “Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng. Đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở nước ta, Tây Nguyên không chỉ là căn cứ địa, mà sẽ là bàn đạp, là nơi phát động những chiến dịch tiến công lớn của các binh đoàn chủ lực để tạo ra những đột biến có tính chất bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược”.
“Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”.
Đầu năm 1975, tương quan lực lượng địch-ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản, có lợi cho ta và bất lợi cho địch. Đế quốc Mỹ đã rút toàn quân và sẽ không can thiệp trở lại chiến trường miền Nam. Đó là cơ sở để Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 đến 08/01/1975) nhận định: Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Hội nghị quyết định tập trung lực lượng mạnh, chủ yếu vào Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Thuần Mẫn. Trong đó, mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột. Sau đó, phát triển tiến công tiêu diệt địch, giải phóng các tỉnh lân cận. Cách đánh Chiến dịch Tây Nguyên là bí mật triển khai lực lượng, cắt các trục đường 19, 14, 21 ngăn chặn lực lượng ứng cứu của địch; đánh Đức Lập và Thuần Mẫn để kéo địch ở Buôn Ma Thuột ra tiêu diệt, làm cho Buôn Ma Thuột sơ hở, cô lập. Dùng lực lượng binh chủng hợp thành tiến công tiêu diệt địch, giải phóng Buôn Ma Thuột.
“Phương châm được Bộ Tư lệnh chiến dịch đề ra lúc bấy giờ là "Mạnh bạo, chắc thắng, chủ động, cơ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ", Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm cho biết, "Gần sát ngày nổ súng ở Buôn Ma Thuột, chúng tôi mới nhận được mật lệnh. Ngay lập tức Trung đoàn 25 di chuyển từ sông Pô Kô quay trở lại, tổ chức lực lượng cắt giao thông trên Đường 21, chặn đứng đường tiến về phía duyên hải miền Trung. Về mặt chiến dịch, cùng với các đơn vị khác cô lập triệt để Buôn Ma Thuột, từ đó tiến công lần lượt đánh chiếm các vị trí, góp phần đánh thắng trận then chốt mở đầu vào ngày 10-11/3/1975”.
Tiếp đó, từ ngày 14 đến 18/3, ta đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn 23 Ngụy trong trận Nông Trại-Chư Cúc-Phước An. Bị thất bại và trước sức uy hiếp mạnh mẽ của ta, từ ngày 15/3, quân địch rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo Đường 7 hòng co cụm về vùng đồng bằng ven biển. Không bỏ lỡ thời cơ, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên kịp thời tổ chức truy kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy trên Đường 7 tại Cheo Reo, Củng Sơn.
Thiếu tướng Tâm nhớ lại, “Khi vào gần thị xã, còn 20-25 km thì lúc bấy giờ gặp rất nhiều cây. Lúc đó, chúng tôi phải cưa đi ¾ cây, còn lại để đó. Các ổ mối, tất cả gốc cây đều đào lỗ tra thuốc nổ vào đó. Đoạn đường một ngày, một đêm là phải thông suốt".
Sau đó, ta phát triển tiến công xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ, phối hợp với quân và dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, kết thúc chiến dịch vào ngày 3/4/1975. Kết quả chiến dịch: Ta tiêu diệt và làm tan rã Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên, thu và phá hủy 154 máy bay, gần 1.100 xe quân sự. Sau chiến dịch, cả một vùng cao nguyên rộng lớn cùng khu vực ven biển Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được giải phóng. Bản đồ quân sự miền Nam bị đảo lộn, mở ra bước ngoặt của chiến trường. Bộ Chính trị đặt quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta không chỉ xây dựng được lực lượng với khả năng tác chiến binh chủng hợp thành, mà còn có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng hậu cần, kỹ thuật phục vụ; trong đó, có những đóng góp to lớn của nhân dân địa phương. Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu, Thiếu tướng Tô Quốc Trịnh không khỏi bồi hồi: “Khi ấy tôi là trợ lý tác chiến thuộc Trung đoàn 24, với nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi tình hình chiến đấu của các đơn vị, nhanh chóng truyền tin về cho sở chỉ huy phục vụ kháng chiến. Mà để đảm bảo thông tin được truyền tải kịp thời, bí mật, phần công lớn nhất phải thuộc về đồng bào Tây Nguyên”.
Khi Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, những cuộc hành quân quy mô lớn của quân giải phóng không thể giấu được đồng bào. Cán bộ của ta đã tổ chức lực lượng, vào từng buôn làng vận động đồng bào không theo địch. Cán bộ cách mạng đến, ai cũng vui sướng, phấn khởi. Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến", hàng vạn đồng bào các dân tộc Ê-đê, Ba Na, Gia Rai… đã tham gia hỗ trợ bộ đội. Riêng tại mặt trận Buôn Ma Thuột, hơn 5.000 thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang, trong khi hàng chục nghìn dân công tham gia vận chuyển hơn 10.000 tấn lương thực, đạn dược bằng xe đạp thồ và gùi hàng.
“Lúc bấy giờ anh em chiến đấu mỗi người chỉ được phân một lạng gạo một ngày, còn lại là ưu tiên cho thương binh”, Thiếu tướng Tô Quốc Trịnh xúc động, "Đồng bào Tây Nguyên bấy giờ không có muối để ăn. Có những buôn làng họ phải giã ớt cay thay muối nuôi con nhỏ, vậy nhưng đồng bào sẵn sàng nhường cả khoai, sắn cho bộ đội”.
Phụ nữ Tây Nguyên đóng vai trò then chốt trong việc nuôi giấu cán bộ, đào hơn 500 hầm bí mật quanh Buôn Ma Thuột. Nhiều làng còn lập "đội quân tóc dài" dẫn đường, trinh sát, giúp quân giải phóng đánh chiếm các mục tiêu then chốt như sân bay Hòa Bình, Bộ Tư lệnh Ngụy quyền. Đặc biệt, tại vị trí chiến lược phía Nam Tây Nguyên khu vực buôn Ea M'Droh; trước giải phóng, trong buôn có khoảng 20 nóc nhà. Địch vốn có ý định muốn biến nơi này thành ấp chiến lược, nhưng ngay khi biết ý đồ của địch, toàn bộ người dân trong buôn đã bỏ vào rừng. Bấy giờ, chúng nghi ngờ người dân tiếp tế lương thực, thực phẩm vào rừng cho cộng sản nên thiêu rụi toàn bộ buôn làng. Ea M'Droh có tên gọi khác là buôn Cháy kể từ đó.
“Không chỉ tại đây mà hầu khắp Tây Nguyên, dù phải bỏ buôn vào rừng, thiếu thốn đủ thứ nhưng bà con càng quyết tâm, sắc son một lòng, hết lòng bảo vệ cán bộ cách mạng. Tất cả đã góp phần tạo nên đại thắng mùa Xuân”, Thiếu tướng Tô Quốc Trịnh khẳng định.
Nửa thế kỷ đã qua, khúc tráng ca Tây Nguyên vẫn vang vọng. Kỉ niệm về ngày “nằm gai nếm mật”, sống chung với vắt rừng, sốt rét và cả những lần “chết hụt” được hai vị tướng tóc đã phủ sương kể lại, vẫn mang đến cho chúng tôi sự bồi hồi khó tả. Phải chăng, chính những lần cận kề cái chết đã tôi luyện bản lĩnh làm nên một chiến thắng vẻ vang, oai hùng. Để rồi, với họ điều mong mỏi duy nhất ngày hòa bình là tìm đưa đồng đội đã hi sinh trở về trong vòng tay gia đình. Những người lính nhân nghĩa ấy như cây thông già kiên cường trước bão tố, luôn vươn thẳng, vững vàng trước mọi gian nan, thử thách.
Hải Yến