A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của nhân viên Quân y tận tâm, trách nhiệm

 

QPTĐ-Đã từ lâu, Bệnh xá Trung đoàn Pháo binh 452 đã trở thành địa chỉ thường xuyên, tin cậy của bà con nhân dân thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất và các địa phương lân cận mỗi khi trái nắng trở trời. Ở nơi đó có Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, một nhân viên Quân y không chỉ nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ mà còn tận tình, trách nhiệm, chắm sóc bệnh nhân như người thân trong gia đình. 

 

 

Sáng kiến “Trang bị phun hoá chất cơ động” của Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông đạt giải B cấp Bộ Tư lệnh.

 

Hết lòng vì bệnh nhân


Bệnh nhân đến với anh đủ mọi lứa tuổi và ở mọi khung giờ trong ngày nhưng điều đáng nói, dù đang bận rộn, hay trong đêm tối, cứ nhận được đề nghị giúp đỡ, hoặc thông báo là anh sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, với tất cả lòng say mê yêu nghề và y đức của người thầy thuốc Quân đội. Suốt hơn 20 năm nay, trong “từ điển” của anh chưa bao giờ có cụm từ “từ chối” bất cứ một trường hợp nào-khi được đồng chí, đồng đội, người dân tin tưởng. Cùng với làm tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị, trung bình mỗi năm anh còn khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho khoảng 120 người tại địa phương.


Có mặt tại Bệnh xá đơn vị, chúng tôi gặp anh Đỗ Văn Hải, thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Do tai nạn lao động, anh bị rách 16cm ở cánh tay, sau xử lý ban đầu tại Bệnh viện Quân y 105, các khâu còn lại đều được anh Đông giúp đỡ.

 

 

Nhân viên Quân y Hoàng Văn Đông xử lý vết thương do tai nạn lao động cho anh Đỗ Văn Hải, xã Bình Yên.


Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải cho biết: “Mỗi khi bị đau, ốm là người dân địa phương lại tìm đến Bệnh xá Trung đoàn. Không chỉ có tay nghề vững, đến với anh Đông, chúng tôi cảm nhận được sự ân cần, tình thân-điều mà không phải ở bất cứ cơ sở y tế nào cũng có được; anh không bao giờ lấy tiền của bà con nhân dân.


Song điều chúng tôi thắc mắc, “tích tiểu thành đại”, nếu cứ làm miễn phí, số tiền đó cộng lại sẽ không nhỏ, vậy anh lấy từ đâu? Nở nụ cười hiền hậu, anh giải thích: “Một phần trích từ kinh phí hỗ trợ của đơn vị, phần còn lại mình sử dụng vào lương. Thật ra trong những lúc người bệnh nguy kịch, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, mình không có thời gian tính nhiều như vậy, niềm vui lớn nhất với mình là “tìm được những nụ cười trên gương mặt của cha mẹ các bé, hoặc từ chính bệnh nhân”.


Sinh ra ở một xã miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương (tại An Sinh, Kinh Môn), điều kiện kinh tế gia đình Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông còn gặp nhiều khó khăn. Bố anh là thương binh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh-Quảng Trị. Từ nhỏ chứng kiến bố từ chiến trường trở về thường xuyên bị cơn sốt rét hành hạ, anh đã nhen nhóm ước muốn trở thành người thầy thuốc. Tuy nhiên ước mơ dừng tại đó, học hết cấp 3, năm 1992, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, học tập và rèn luyện tại Trung đoàn 922, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3. Sau 2 năm học tập và rèn luyện, thấy anh luôn trách nhiệm, tỉ mỉ và có tâm trong thực hiện nhiệm vụ nên lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã tạo điều kiện để anh ôn luyện và thi đỗ Hệ đào tạo Trung học, Học viện Quân y (1994-1997). Kể từ đây, anh đã đạt được ước mơ thuở thiếu thời. Sau 3 năm học tập, rèn luyện, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, anh được điều động công tác tại Trung đoàn Pháo binh 452, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (trước đây là Quân khu Thủ đô) từ đó cho tới nay.

 

“Cây tuyên truyền” và “cây sáng kiến” 


Quá trình thực hiện nhiệm vụ, để làm chủ được công việc, bản thân anh không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi về y đức, làm tốt yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân, đặc biệt là bảo đảm công tác chuyên môn vệ sinh phòng dịch, giữ tốt, dùng bền các trang thiết bị y tế được giao.


Thời điểm đó, Trung đoàn đủ quân, nếu địa phương có dịch thì đơn vị rất khó tránh; hơn nữa, khu vực đóng quân là vùng trung du, nắng nóng, độ ẩm cao nên phát sinh nhiều muỗi, côn trùng…Sau nhiều ngày trăn trở, anh nhận thấy: Ngoài việc làm chủ chuyên môn, khám và chữa trị đúng nguyên tắc, quy định thì việc tuyên truyền để mọi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức, tích cực rèn luyện nâng cao sức khoẻ là yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo đảm quân số khoẻ tham gia công tác tốt.

 

Do đó, anh chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ công tác quân y bảo đảm chất lượng, sâu sát, tỉ mỉ trên từng nội dung, nhất là công tác vệ sinh phòng dịch, giáo dục ý thức giữ gìn sức khoẻ cho bộ đội, tạo sự chuyển biến, tiến bộ trong xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học tại đơn vị. Đồng thời, chủ động phối hợp với Ban Chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, qua đó, góp phần không nhỏ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, đơn vị an toàn tuyệt đối vệ sinh phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm, tỷ lệ quân số khoẻ thường xuyên đạt 99,36%… Kể từ đó, công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh gắn bó với anh cho tới tận bây giờ. Điều đáng nói, là nhân viên Quân y nhưng anh cũng có thể đảm nhiệm được tất cả các khâu tuyên truyền trên truyền thanh nội bộ, với các nội dung phong phú. 


Càng tìm hiểu và tiếp xúc với Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không chỉ là nhân viên Quân y có tâm, anh còn là một cây sáng kiến rất có tầm. Trước yêu cầu thực tiễn là làm sao để nâng cao chất lượng hoạt động công tác Quân y trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của đơn vị còn nhiều khó khăn, kinh phí còn hạn chế và biên chế quân số thiếu vắng, anh đã tìm tòi, nghiên cứu cho ra nhiều sáng kiến có giá trị. Tính đến thời điểm này, anh có 6 sáng kiến được công nhận và áp dụng trong thực tiễn, trong đó tiêu biểu phải kể đến: “Bộ trang bị cấp cứu cơ động dùng trong thảm hoạ-thiên tai” đạt giải C cấp Bộ Tư lệnh; “Bàn tiêm truyền cơ động” giải B cấp Bộ Tư lệnh và “Trang bị phun hoá chất cơ động” giải B cấp Bộ Tư lệnh-giải Ba cấp Bộ Quốc phòng…
Song song với đó, tại Hội thi Báo cáo viên giỏi do Bộ Tư lệnh tổ chức hàng năm, anh đều tham gia và lần nào cũng trong tốp đầu báo viên giỏi.


Nhận xét về Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, Thượng tá Lê Đức Lợi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn cho biết: “Phải khẳng định đồng chí Đông thực sự tiêu biểu trên các mặt công tác. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế, anh chạy theo các giá trị về vật chất, ngược lại luôn nhận thiệt thòi về mình, tận tâm, tận lực với người bệnh. Những việc đó không những tô thắm truyền thống quân với dân như “cá với nước” mà còn góp phần để công tác vận động quần chúng của đơn vị đạt được kết quả cao”.


Chia tay Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Đông, điều chúng tôi ấn tượng  chính là nhiều lần được cấp trên tạo điều kiện đi học chuyển ngành nhưng anh vẫn chọn “ước mơ” thuở thiếu thời, dù nghề không làm anh giàu nhưng đổi lại, anh có được tình cảm trìu mến của đồng chí, đồng đội và người dân địa phương; cùng câu nói: “Sau này nghỉ hưu, ước muốn của mình sẽ mở một phòng khám sức khỏe miễn phí giúp nhân dân và mình tin sẽ làm được”. Tất cả những điều đó khiến tôi không ngạc nhiên khi biết rằng anh có tới 15 năm đạt Danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua cơ sở; 2 lần được Bộ Quốc phòng tặng Danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua toàn quân”; 5 lần được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong công tác; nhiều năm là “Người tốt, việc tốt Thành phố”. Hiện anh đang được Bộ Tư lệnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… Anh khiến tôi tin, cuộc đời có nhiều điều thật đẹp và anh chính là người tạo ra những điều bình dị như vậy.


Trần Hiền-Hữu Thu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ