A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong bảo đảm quyền về dân sự và chính trị

QPTĐ-Tại phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) lần thứ 4 mới diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, Đoàn Việt Nam đã đưa ra thông điệp rõ ràng khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Việt Nam với phương châm đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, đồng thời, chia sẻ những thành tựu nổi bật trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người nói chung, các quyền về dân sự và chính trị nói riêng ở trong nước thời gian qua.

Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được bảo đảm trong thực tiễn.

 

Hoàn thiện chính sách, pháp luật

Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân, Công ước ICCPR ra đời đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, việc chăm lo, bảo vệ và bảo đảm quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi đó là nhiệm vụ và ưu tiên hàng đầu.

Cùng với việc gia nhập Công ước ICCPR ngày 24/9/1982, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó được thể hiện rõ ở việc chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa lên vị trí trang trọng hơn (Chương II) và có tên gọi đầy đủ hơn, nhấn mạnh sự công nhận và bảo vệ quyền con người. Hiến pháp 2013 đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thể hiện qua các quy định cụ thể và các cơ chế bảo vệ. Ngoài ra, Hiến pháp còn bổ sung nhiều quyền mới, thể hiện sự phát triển và mở rộng quyền con người, phù hợp với các công ước quốc tế và xu hướng hội nhập; quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân, nhưng việc hạn chế này phải dựa trên luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng…

Trong những năm gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quyền con người đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Việt Nam đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, cụ thể là định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, nghiên cứu xây dựng các dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật chuyển đổi giới tính… Trong năm 2024 và 2025, Quốc hội tiếp xem xét, cho ý kiến và thông qua  nhiều luật nhằm hoàn thiện thể chế về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, như: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Dân số (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)… Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, Nhà nước luôn tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua việc đóng góp ý kiến, kiến nghị, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Đồng thời Nhà nước cũng bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách mới quan trọng đã được ban hành với mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), bảo đảm quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động…

Gần đây nhất, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV (từ ngày 5/5 đến 27/6/2025) cũng mang dấu ấn trong hoàn thiện thể chế, chính sách về quyền con người. Tại kỳ họp, Ngoài việc thông qua luật, nghị quyết để phát triển kinh tế, Quốc hội thông qua nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; quyết định cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội... Điều này một lần nữa cho thấy, bên cạnh phát triển kinh tế, Quốc hội đề cao mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền con người. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh.

Các quyền dân sự, chính trị được bảo đảm trong thực tiễn

Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Trước khi sáp nhập tỉnh, thành phố, Việt Nam có 884 cơ quan báo chí, với hơn 41.000 người làm báo, trong đó 21.000 người được cấp thẻ nhà báo; gần 80 triệu người sử dụng internet với nhiều kênh thông tin đa chiều. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo… được sử dụng rộng rãi để phản ánh ý kiến của người dân.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và sự đóng góp của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước. Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm tốt hơn quyền này, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thực tiễn ở Việt Nam.

Việt Nam chú trọng quyền được bình đẳng trước pháp luật, xét xử công bằng, đúng trình tự theo pháp luật; tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Trên thực tế, trong giai đoạn từ 2019 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng 10 Nghị quyết và 4 Thông tư hướng dẫn và quy định chi tiết về việc thực hiện nhiều văn bản pháp luật trong các vấn đề như quy định về tội rửa tiền; quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; xét xử các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tội phạm tham nhũng; quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án.

Việt Nam coi trọng quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân, được Hiến pháp 2013 ghi nhận tại Điều 28: "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước". Trên thực tế, quyền tham gia quản lý nhà nước của người dân được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng. Trước hết, thông qua quyền bầu cử và ứng cử, công dân trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tỷ lệ cử tri đi bầu luôn đạt trên 90% trong các cuộc bầu cử gần đây, cho thấy ý thức và trách nhiệm công dân cao. Bên cạnh đó, cơ chế lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, chính sách quan trọng ngày càng được mở rộng. Điển hình như trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2024, hơn 12 triệu ý kiến đã được tiếp thu, chứng tỏ sự tham gia tích cực của người dân.

Sự tiến bộ trong bảo đảm các quyền về dân sự, chính trị của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại Phiên đối thoại về thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4, Ủy ban Nhân quyền đã ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc phê chuẩn 7 trong tổng số 9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong một số lĩnh vực nhằm phòng ngừa phân biệt đối xử và những nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống tham nhũng… 

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số HDI tăng nhanh nhất thế giới. Từ năm 1990 đến 2023, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,499 lên 0,766, tương đương mức tăng 53,5%, một bước tiến ấn tượng. Ngân hàng thế giới (World Bank-WB) ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong quản trị công và minh bạch thông tin. Ở khu vực ASEAN, Việt Nam được công nhận là hình mẫu về hòa hợp dân tộc, tôn giáo và dẫn đầu trong thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em.

Như vậy, với phương châm "dân là gốc", Việt Nam đã chứng minh được cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị. Những thành tựu đạt được không chỉ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời gian tới, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội