A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để sơ kết bảo đảm khách quan, chất lượng

QPTĐ-Sau khi đã đi qua được “nửa chặng đường” của nhiệm kỳ 2020-2025, đây chính là thời điểm quan trọng để các cấp ủy Đảng nhìn nhận tổng thể kết quả quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Do đó, đòi hỏi công tác sơ kết giữa nhiệm kỳ cần được các tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, bài bản, có chất lượng, đánh giá khách quan, thực chất những ưu điểm, khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân; rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá, những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo ra động lực tích cực để thực hiện thắng lợi nghị quyết. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn tổ chức Đảng thực hiện sơ kết mang nặng tính hình thức, chỉ quan tâm đến báo cáo thành tích, chưa chú trọng chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân để tìm hướng khắc phục, hoặc nếu có cũng rất sơ sài, hời hợt, làm cho việc sơ kết không hiệu quả.     

Tranh cổ động: Internet

“Thiên lệch” giữa định lượng và định tính

Kết thúc hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, một đồng chí Bí thư Đảng ủy hỏi tôi: “Chú chứng kiến anh điều hành hội nghị thế nào? Có đúng nguyên tắc, chất lượng không?”. Vì thấy anh cầu thị, nên tôi cũng mạnh dạn nhận xét: “Các bước điều hành hội nghị của anh, em không thể chê vào đâu được; giọng to rõ, điều hành dứt khoát, đúng trọng tâm trọng điểm, bảo đảm thời gian. Nói tóm lại là chất lượng. Nhưng em thấy báo cáo không có nhiều số liệu đã đạt được để so sánh với chỉ tiêu nghị quyết đề ra anh nhỉ?”. 

Nhìn tôi với vẻ như thông cảm, anh giải thích: “Kết quả được lan tỏa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, bằng hành động thực tiễn của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết cũng như đánh giá nghị quyết đều có đặc điểm chung là tính khái quát cao, nên không thể đem hết số liệu kể ra được, số liệu được Đảng ủy khái quát bằng kết quả định tính là chủ yếu”. Vậy đấy, chỉ vì “thiên lệch” giữa định lượng và định tính, nên thông qua hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của một số Đảng bộ, nổi lên hai xu hướng chính trong xây dựng báo cáo sơ kết, đó là cụ thể hóa hoặc khái quát hóa:

Một là cụ thể hóa báo cáo sơ kết, đây là kiểu báo cáo được cấp ủy chuẩn bị đầy đủ trên các mặt lãnh đạo công tác về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng… có số liệu dẫn chứng sinh động, nhưng thiên về “kể lể” những thành tích, kết quả nổi bật bằng những con số cụ thể, khi đọc lên nghe “xuôi tai”, nhưng thực tế lại không đánh giá, chỉ rõ được nguyên nhân mạnh, yếu, những chỉ tiêu đã đạt được và những chỉ tiêu nào chưa đạt được như nghị quyết đã đề ra. Bởi vì báo cáo không bám vào nội dung nghị quyết, nên không khái quát được những chỉ tiêu nghị quyết đại hội đã xác định, chưa đề cập được nội dung, biện pháp lãnh đạo của Đảng ủy, những điểm mạnh nào nên phát huy, vấn đề nào cần rút kinh nghiệm tập trung lãnh đạo, báo cáo vừa thừa vừa thiếu, thừa là những số liệu cụ thể không cần thiết do kể lể vụn vặt; thiếu là phần so sánh, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế, tìm ra bài học kinh nghiệm và phương hướng khắc phục để tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết.

Hai là khái quát hóa, nội dung báo cáo này thường ngắn gọn hơn, phần kiểm điểm đánh giá, cũng như phần phương hướng, chủ yếu là điểm mặt chỉ tên những mặt công tác đã làm được, rồi lồng ghép bằng những kết quả định tính, ví như “100% cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ”; rất sơ sài, hời hợt mang nặng tư duy “tốt khoe ra”, vì thế khi tổ chức hội nghị, các đại biểu không biết nội dung nào trọng tâm, trọng điểm cần đóng góp, dẫn đến kết quả sơ kết không chất lượng.

Thực tiễn cho thấy, dù khái quát hay cụ thể hóa, thì các báo cáo này đều có một điểm chung đó là “tô hồng thành tích”, đánh giá “thiên lệch”. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến mục đích, ý nghĩa của việc sơ kết, nên chưa đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ hướng dẫn của cấp trên, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phó mặc cho bộ phận tham mưu giúp việc, trong khi đó, năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận của đội ngũ giúp việc chuyên môn còn hạn chế. 

Vì thế không đánh giá được kết quả toàn diện về triển khai công việc trong nhiệm kỳ nghị quyết, kể cả mặt được và mặt chưa được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; chưa chỉ ra được nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa dẫn tới những mặt đạt được và chưa đạt được của kết quả đã nêu; chưa rút ra được những bài học kinh nghiệm qua việc triển khai thực hiện nghị quyết, nhất là những mô hình hay, cách làm sáng tạo cần nhân rộng, cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém.

Bám sát thực tiễn đánh giá đúng thực chất

Chúng ta đều hiểu rằng, Nghị quyết Đại hội không chỉ thực hiện mục tiêu riêng của cấp mình, mà còn thực hiện mục tiêu chung của cấp trên trực tiếp và cả đường hướng quan trọng của Trung ương, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, là “trục hạt nhân” định hướng cả nhiệm kỳ. Để điều chỉnh trục hạt nhân đó đi đúng hướng và giành thắng lợi, cấp ủy Đảng các cấp cần phải sử dụng tổng thể nhiều biện pháp trong phương thức lãnh đạo, như: Tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền; ra nghị quyết lãnh đạo tháng, quý để thực hiện; kiểm tra, giám sát; nêu gương; sơ kết; tổng kết… 

Còn bản chất của hoạt động sơ kết, tổng kết là xem xét, đánh giá kết quả của quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng trên thực tế. Qua đó cho thấy, việc sơ kết có vị trí vai trò rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nếu thực hiện sơ kết nghị quyết của Đảng được tiến hành nghiêm túc, bài bản, có chất lượng; đánh giá khách quan những ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm; rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá, những tấm gương điển hình về sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc quán triệt và thực hiện nghị quyết, qua đó khẳng định được chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Do đó, để nội dung sơ kết giữa nhiệm kỳ chất lượng, cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng chất lượng và tính thiết thực. Khi xây dựng nội dung sơ kết cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, yêu cầu tập trung làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đánh giá thuận lợi, khó khăn; kết quả đã đạt được, những ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. 

Trên cơ sở đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai nghị quyết từ nay đến cuối nhiệm kỳ; đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết. Báo cáo phải bảo đảm chất lượng, đủ số liệu minh họa theo chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. 

Ví dụ, ở lĩnh vực kinh tế thì cần tập trung đánh giá, so sánh, phân tích về sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hay về lĩnh vực văn hóa, xã hội thì cần tập trung đánh giá sự phát triển ở lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, đặc biệt là quan tâm đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngoài việc triển khai quán triệt nghị quyết các cấp, kết luận, hướng dẫn, chỉ thị của trên, phải đánh giá xác thực mức độ hiệu quả trong quá trình cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đi vào cuộc sống. 

Ngoài ra, cần có sự đánh giá toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Riêng đối với báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ, phải đánh giá được công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận, chỉ thị các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo, việc thực hiện Điều lệ Đảng và các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đoàn kết nội bộ.

Khi đã có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, thực chất về tình hình thực tế, có nghĩa là cán bộ, đảng viên cũng như cấp ủy đã thấy được rất rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan những kết quả đạt được, những mặt chưa làm được trong nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện; thấy được thuận lợi, khó khăn, những kết quả nổi bật; chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; rút ra một số kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Từ đó, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, có như vậy mới thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ