A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Thủ đô: Kỳ vọng vào sự bứt phá cuối năm

QPTĐ- Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Hà Nội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 có nhiều điểm sáng, duy trì tăng trưởng khả quan. Song để có thể bứt phá trong những tháng cuối năm, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Hà Nội phải vượt qua nhiều thách thức, nhất là tình hình thiên tai, mưa bão, lũ lụt diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Kinh tế Thủ đô 8 tháng năm 2024 duy trì tăng trưởng khả quan.

Sản xuất công nghiệp ổn định

Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tháng 8/2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản ổn định. Hiện lúa và hoa màu sinh trưởng, phát triển tốt, trà lúa sớm đang giai đoạn đòng già, trà lúa trung và muộn đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, một số nơi bị úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến cây trồng.

Trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với nguy cơ lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có dịch bệnh xảy ra. Sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 11,2 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 81,2 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, song vẫn duy trì ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Du lịch tiếp tục tăng trưởng khá

Trong tháng 8, thành phố Hà Nội triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối giao thương giữa 5 Thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam bộ; kết nối về thương mại điện tử với chủ để “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng, xúc tiến thương mại...

Theo số liệu từ Cục Thống kê, 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 344,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng mức và tăng 10,4%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 73,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% và tăng 11,4%.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội (chỉ tính do cơ sở lưu trú phục vụ) 8 tháng năm 2024 ước đạt đạt hơn 4 triệu lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 2,8 nghìn lượt người, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt trên 1,2 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 của Hà Nội ước tính đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 8 tháng năm 2024 ước thực hiện 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình kinh doanh và doanh nghiệp tại Hà Nội trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 cho thấy tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. 8 tháng năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 20,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

 Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là một động lực quan trọng, thể hiện sự quan tâm và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với tương lai kinh tế của Thành phố. 8 tháng năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD.

Nhiều khó khăn ở phía trước

Tình hình trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thiên tai, mưa bão, lũ lụt diễn biến phức tạp. Đặc biệt, cơn bão số 3 và hoàn lưu của cơn bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề, tác động trực tiếp đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ.

Để đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Hà Nội cần có những chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả nhằm duy trì đà phát triển kinh tế. Trọng tâm là tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng; tập trung mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động du lịch cuối năm 2024 gắn với các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… Xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào thế mạnh của Thành phố như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Với những giải pháp đồng bộ, căn cơ và với quyết tâm cao của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân, Hà Nội kỳ vọng khả năng bứt phá những tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung của cả nước.

PHƯƠNG LINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ