A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo quản vũ khí trang bị

 

Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lâng lâng, hãnh diện khi được biên chế khẩu súng AK 47. Suốt cả buổi, tôi giữ khư khư khẩu súng của mình và ngắm mãi không chán. Chỉ đến khi có lệnh cất súng vào tủ, tôi mới tiếc rẻ rời xa “người bạn” mới của mình. Từ hôm đó, trong tâm trí tôi lúc nào cũng hiện lên hình ảnh của khẩu súng, chỉ mong đến giờ huấn luyện được sử dụng, ngắm vuốt, là tôi đã thấy vui lắm rồi.

 

 

Bảo quản tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật ở Tiểu đoàn Trinh sát 20.

 

Chính vì lẽ đó mà thời gian đầu, tôi luôn là người được nêu gương trong việc giữ gìn, bảo quản vũ khí được biên chế. Khẩu súng của tôi lúc nào cũng sạch sẽ và sáng bóng dầu mỡ. Tuy nhiên, tình yêu của tôi với khẩu súng chẳng duy trì được bao lâu. Với cường độ huấn luyện ngày càng cao, cộng thêm thời tiết nắng nóng, cứ mỗi khi từ thao trường trở về, phải thực hiện công việc bảo quản vũ khí khiến tôi dần dần cảm thấy “người bạn” của mình trở thành “gánh nặng”. Từ chỗ say mê chăm sóc, tôi làm miễn cưỡng, qua loa, cốt sao đặt khẩu súng của mình vào tủ súng nhanh nhất.

 

Bẵng đi vài ngày không động đến súng ống do phải ôn luyện môn Chính trị, chiều thứ 6, đơn vị tổ chức bảo quản vũ khí, trang bị. Sau khi mở niêm phong và kiểm tra tủ súng, Trung đội trưởng lấy ra cho mọi người xem một khẩu súng có nòng đang dần chuyển sang màu nâu do bị hoen gỉ. Anh gọi tôi lên và nghiêm nghị nói: Mấy hôm trước tôi đã để ý đến việc bảo quản vũ khí của đồng chí, rất hời hợt và qua loa không như những ngày đầu. Đồng chí đã thấy tác hại của việc lơ là, thiếu ý thức giữ gìn vũ khí, trang bị chưa. Lúc đấy, tôi chỉ biết cúi đầu xấu hổ, không có lời bào chữa nào  khi mà cả tủ súng, khẩu nào cũng bóng loáng, chỉ có mỗi mình khẩu của tôi là hoen gỉ. Trung đội trưởng nói tiếp: Nếu đồng chí chú ý đến những dòng chữ khắc trên thân súng thì sẽ biết khẩu súng này có tuổi đời phải hơn đồng chí gần 30 năm đấy. Trước khi nó thuộc biên chế của đồng chí thì đã có rất nhiều người sử dụng. Nếu ai cũng như đồng chí thì chắc khẩu súng đã không còn tồn tại, lấy gì phục vụ cho việc huấn luyện nữa.

 

Nghe Trung đội trưởng nói vậy, tôi vội lật khẩu súng của mình ra xem, quả thật bên cạnh dòng chữ tiếng Nga là số 1967. Có nghĩa khẩu súng AK này được sản xuất từ năm 1967 nhưng trông vẫn còn như mới. Càng nhìn, tôi càng cảm thấy hối hận, vội vàng xin lỗi Trung đội trưởng và ngay lập tức tiến hành công việc bảo quản. Khi khẩu AK của tôi đã no dầu mỡ và nằm yên trên giá súng, tôi có cảm giác như mình đã trút được gánh nặng. Tôi thầm hứa: “Yên tâm nhé anh bạn, tôi sẽ không bao giờ để anh bị han gỉ thêm một lần nào nữa đâu, hứa danh dự đấy”.

 

 Luân Phạm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội