Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số
QPTĐ-Năm 2025 được xem là một dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế số. Đây là thời điểm tổng kết Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình kinh tế số toàn diện. Thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc. Đó là sự thay đổi lớn hành vi của doanh nghiệp và người dân, sự nỗ lực chuyển đổi số của cơ quan nhà nước.
Việt Nam đã có một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu vì vậy các hoạt động kinh tế số sẽ phát triển. Điển hình là thương mại điện tử phát triển thì thanh toán không dùng tiền mặt trở nên tất yếu. Hơn nữa, giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là hình thức thanh toán rẻ, nhanh, không phụ thuộc khoảng cách địa lý, mà còn giúp số hóa dòng tiền và quản lý tài chính thông minh; thúc đẩy phát triển mobile Banking, ví điện tử, thẻ, mã QR code, Vn Pay, thanh toán qua điện thoại.
.jpg)
Phát triển vượt bậc của thanh toán không dùng tiền mặt
Năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng mới xử lý khoảng 137 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 73 triệu tỉ đồng. Số lượng và giá trị giao dịch bình quân mà hệ thống xử lý tương ứng đạt trên 544.000 giao dịch/ngày và trên 289.000 tỉ đồng/ngày. Đến cuối năm 2024, tổng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 17,7 tỉ giao dịch với giá trị 295 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 56% về số lượng và 32% về giá trị so với cuối năm 2023, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của thanh toán không dùng tiền mặt. Tại HDBank, trong giai đoạn 2020-2025, số lượng giao dịch thanh toán chủ động không dùng tiền mặt tích lũy vượt 330 triệu giao dịch, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch tích lũy từ cuối năm 2020 đến cuối tháng 5-2025 tăng gần 1.300% đồng thời ghi nhận tăng hơn 5,4 triệu tài khoản trong giai đoạn 2020-2025.
Cũng trong giai đoạn 2020-2025, số lượng giao dịch chủ động của khách hàng qua kênh số HDBank vượt 300 triệu giao dịch, giá trị giao dịch vượt mốc 5 triệu tỉ đồng. Từ cuối năm 2020 đến hiện tại, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch tích lũy là hơn 1.500%, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch tích lũy tăng hơn 100 lần.
Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, là xu thế tất yếu, trào lưu trong nền kinh tế số, thể hiện sự thay đổi lớn hành vi của doanh nghiệp và người dân, sự nỗ lực chuyển đổi số của cơ quan nhà nước. Người dân có thể ngồi nhà để mua hàng online và thanh toán cũng online một cách dễ dàng. Thêm nữa, việc số hóa tài khoản, thực hiện thanh toán bằng QR, điện thoại di động đã tạo thuận lợi cho người dùng và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đã bắt kịp với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc. Thậm chí nhìn ở góc độ nào đó, Việt Nam còn đi trước các nước phát triển. Như ở châu Âu, hạ tầng thanh toán của nhiều nước chủ yếu vẫn bằng thẻ vật lý, tài khoản.
Như vậy từ chỗ người dân còn e ngại với phương thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, thì đến nay phương thức thanh toán này đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Gần đây, phương thức thanh toán này càng tiện hơn khi hàng loạt ngân hàng tặng người bán loa thanh toán nhằm giúp người bán hàng nhận thông báo giao dịch tức thì và chính xác bằng giọng nói mà không cần chụp màn hình hay kiểm tra thủ công.
Hoàn thiện cơ chế tạo đà tăng trưởng kinh tế số
Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tình hình hiện nay. Chính vì vậy, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã ra đời. Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều luật liên quan đến lĩnh vực này, như: Luật Giao dịch điện tử, An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, viễn thông, Luật An toàn thông tin, Luật Dữ liệu số, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là những nền tảng pháp lý hết sức quan trọng tạo đà cho sự phát triển nền tảng số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và ngược lại, thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với doanh nghiệp và người dân là giúp tăng hiệu quả kinh doanh, dễ kiểm soát dòng tiền, mở rộng thị trường online, tiết kiệm chi phí, giảm dùng giấy để giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời, mang đến tiện ích, an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những thách thức cần khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt là lo ngại rủi ro về an ninh, bảo mật như giả mạo tin nhắn, căn cước công dân, mã OTP nên bị mất tiền.
Tội phạm mạng ngày càng gia tăng với diễn biến khó lường khi sử dụng cả trí tuệ nhân tạo, các công nghệ để ứng dụng vào các chiêu trò, lừa đảo. Từ 01-7-2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 về xác thực sinh trắc học với các giao dịch lớn, từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày, áp dụng với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên sau đó các tổ chức tội phạm công nghệ cao đã chuyển qua tài khoản tổ chức để lừa đảo. Để ngăn chặn chiêu trò, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, từ ngày 1-7-2025, doanh nghiệp sẽ không thể giao dịch online nếu chưa xác thực thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp. Sau thời gian này, trường hợp khách hàng chưa hoàn thành nội dung trên, ngân hàng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán/rút tiền tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử để đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Để góp phần ngăn ngừa tội phạm cao, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư mới, trong đó một điểm rất mới là sẽ cấm sử dụng biệt danh trong mở tài khoản. Nên tài khoản phải là dãy số cụ thể. Bởi việc cho mở tài khoản ngân hàng với biệt danh dễ gây hiểu lầm cho người chuyển tiền. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều khiếu nại của người dùng, sau khi chuyển nhầm qua biệt danh nên không đòi được tiền.
Đồng thời, một số nền tảng pháp lý chưa được hoàn thiện như tiền mã hóa, thanh toán xuyên biên giới, tiền ảo. Đây là vấn đề rất khó, nhiều rủi ro, nhưng là xu thế phát triển của thế giới. Vì vậy, cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Tiếp tục tập trung phát triển mạnh mẽ hạ tầng dùng chung, hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ thanh toán.
Song Hà