A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa từ chức, miễn nhiệm với người tín nhiệm thấp

QPTĐ- Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XV) diễn ra ngày 11/5, Ban Công tác đại biểu Quốc hội có Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết 85 ban hành năm 2014.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Công tác đại biểu 

phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Ảnh: VGP/ĐH

Theo đó, Nghị quyết 85 quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”, có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, không có đại biểu nào có hơn 50% được đánh giá “tín nhiệm thấp”. Tương tự, ở HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, tỉ lệ này chỉ là 0,11%-0,18%-0,22%. Một con số không phản ánh đúng tình hình thực tế về chất lượng cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Và chỉ khi các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Điều tra “vào cuộc” mới phát hiện ra các sai phạm trong quản lý, điều hành của cá nhân, tổ chức, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng đến mức phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Vì thế, dự thảo Nghị quyết bổ sung, trình Quốc hội quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức. Việc xin từ chức được thực hiện trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trường hợp không từ chức hoặc người có từ 2/3 số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” sẽ được cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày sau khi công bố kết quả tín nhiệm.

Thời gian qua, từ Trung ương đến các địa phương đã và đang tạo điều kiện cho những người có tín nhiệm thấp được từ chức, miễn nhiệm, hạ cấp, đưa ra khỏi quy hoạch, bố trí chức vụ công tác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ. Nhưng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, ban hành một nghị quyết chuyên đề về chất lượng công tác đại biểu Quốc hội, HĐND là rất cần thiết.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 10/5), báo cáo dẫn số liệu, trong mấy tháng đầu năm nay, đã có 12 tổ chức Đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc sở trở lên bị kỷ luật, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch cấp tỉnh và 2 sĩ quan cấp tướng.

Trước đó, năm 2022, đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước, trong đó có 25 người bị xử lý hình sự); cho thôi chức vụ 5 Ủy viên Trung ương Đảng; cho thôi chức vụ Chủ tịch nước, 2 Phó Thủ tướng, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch tập đoàn, 5 sĩ quan cấp tướng. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh; thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; chuyển cơ quan điều tra 557 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để xem xét, xử lý.

“Thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”-Đó là ý kiến kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp ngày 10/5 vừa qua.

Minh Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ