A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh

QPTĐ-Thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ có thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen. Tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến ngành Du lịch sẽ mạnh mẽ hơn. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong hoạt động du lịch. Ngành Du lịch được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đột phá, đồng đều giữa các vùng miền, địa phương.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành Du lịch.

Ảnh: Internet

Chuyển đổi số thúc đẩy du lịch

Chuyển đổi số đang là yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, với xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm du lịch có ứng dụng công nghệ. Tổng cục Du lịch đã triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể khác nhau trong ngành Du lịch như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến, khách du lịch.

Ngành Du lịch đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ du khách như: Hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch dành cho cơ quan quản lý; cơ sở dữ liệu ngành Du lịch dành cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 đối với các cơ sở du lịch; ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" dành cho khách du lịch; ứng dụng "Hướng dẫn du lịch Việt Nam" dành cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Thẻ du lịch thông minh dành cho khách du lịch; hệ thống quản lý và bán vé điện tử dành cho các điểm tham quan...

 Chương trình chuyển đổi số của ngành Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch; phát triển các sản phẩm công nghệ hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, giảm chi phí, rủi ro, quản lý tốt nhân sự. Tổng cục Du lịch tiếp tục nâng cấp sản phẩm, thu hút các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cùng sử dụng. Trong đó, hệ thống bán vé điện tử là giải pháp tốt, cần mở rộng áp dụng ở các điểm đến trong nước và đưa Thẻ du lịch thông minh tiếp cận rộng rãi khách du lịch.

Chuyển đổi số là chìa khóa để du lịch kết nối với các hệ sinh thái liên quan, mở ra không gian phát triển, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn. Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch nhằm hướng tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số đã và đang tác động ngày càng sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Tăng cường số hóa di sản văn hóa

Việt Nam tự hào là một quốc gia dồi dào, đa dạng về di sản văn hóa. Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực vào hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ, thực hành di sản, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Qua thời gian bảo tồn và phát huy, các di sản này đã trở thành những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu, góp phần rất quan trọng tạo nên thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Với gần 8.000 lễ hội, mỗi lễ hội gắn với một di sản, di tích nhất định ở các địa phương. Đây là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch, điều quan trọng là các địa phương, đơn vị du lịch phải biết cách khai thác, biến nguồn tài nguyên đó thành “hàng hóa văn hóa”, trên cơ sở đó phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa của Việt Nam. Chuyển đổi số là cách thức quan trọng nhằm quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế. Quan điểm xuyên suốt của ngành Du lịch là tôn trọng nguyên tắc phát triển bền vững khi bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong phát triển du lịch.

Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Google triển khai dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam”, quảng bá các giá trị di sản vật thể và phi vật thể nổi bật như: Sơn Đoòng, Hội An, Mỹ Sơn, di sản Cung đình Huế… Đây là một sáng kiến hữu ích, có thể xem như một cửa sổ khoe sắc của các nền văn hóa, giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa-nghệ thuật theo cách thức mới mẻ và thú vị. Nền tảng số Google Arts & Culture được mệnh danh là “bảo tàng số của nhân loại”, lưu giữ, giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử đặc sắc của các quốc gia trên thế giới.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ: “Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh”. Chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% bảo vật quốc gia, di sản trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số (ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, Ban Quản lý di tích). Cùng với đó, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành Di sản Văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, mà còn thúc đẩy hợp tác, phát triển, giao lưu văn hóa, có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới, sáng tạo. Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn. Vì vậy, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp du lịch giải quyết "bài toán" này và hướng tới mô hình quản trị hiệu quả; kết nối với các hệ sinh thái liên quan như vận tải, lưu trú, thương mại.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ