A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đại án có hàng trăm, hàng ngàn bị cáo!

QPTĐ- Tuần qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và vui mừng thông báo, đã hoàn tất hồ sơ khởi tố 1.038 bị can với 5 tội danh, vụ án “4 tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất” (3/2023), thu giữ 323,5 kg ma túy các loại và nhiều tang vật, chứng minh số tiền các đối tượng đã giao dịch mua bán ma túy hơn 28.000 tỷ đồng, trải dài trên 36 tỉnh, thành phố. Đây là thành tích đặc biệt xuất sắc của Công an thành phố phối hợp với các bộ phận Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy, Bộ Công an mở rộng điều tra, kiên quyết tấn công tội phạm, không khoan nhượng với những kẻ gieo rắc cái chết trắng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gắn Huy hiệu 

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên lá cờ truyền thống của Công an TP. HCM. 

Ảnh: Internet

Chiều 23/8, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 254 bị cáo vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan bị truy tố 11 tội danh, trong đó cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà bị 19 năm tù tội “Nhận hối lộ”; cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình bị 25 năm tù 2 tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 252 bị cáo chịu mức án 1-30 năm tù. Đáng chú ý, Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 132 bị can tội “Nhận hối lộ”, trong đó có 84 bị can nhận số tiền từ 1-5 tỉ đồng trở lên, bị đề nghị truy tố Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự, phạt tù 20 năm, Chung thân hoặc Tử hình. Nếu tính cả vài chục vụ án ngành Đăng kiểm xảy ra cùng kỳ này thì số bị cáo cũng đến ngàn người.

Ngược thời gian (11/4/2024), Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 86 bị can vụ đại án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và đơn vị liên quan với  án Tử hình với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan với 3 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay…”; 4 án Chung thân; các bị cáo còn lại chịu hình phạt 3 năm tù treo đến 20-25 năm. Kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án này, Cơ quan điều tra (29/5) đề nghị truy tố 34 bị can về 3 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”. “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đây là vụ trọng án, gây chấn động dư luận không chỉ bởi có số bị cáo đông, đa thành phần mà số tiền đưa hối lộ, nhận hối lộ lên đến hàng trăm tỉ đồng và số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Trước đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu” (7/2023) xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và đơn vị liên quan tuyên phạt 54 bị cáo trong đó có 4 án Chung thân; 50 bị cáo bị tuyên phạt 13 tháng đến 20 năm tù, tổng cộng 230 năm tù; 23 cá nhân đại diện doanh nghiệp khai, đưa hối lộ 226 tỉ đồng; đã xác minh được 25 cá nhân nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74 tỉ đồng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 24 tỉ đồng.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (12/1/2024) tuyên phạt 38 bị cáo vụ đại án “mua, bán kit xét nghiệm Covid-19” xảy ra tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế và đơn vị liên quan, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 430 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) nhận hối lộ 2,25 triệu USD bị tuyên 18 năm tù; Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) 2 tội danh “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu…”, bị tuyên 29 năm tù. Trước đó (29/12/2023), Việt bị tuyên 25 năm tù, cùng 2 tội danh trên tại một vụ án tương tự. Đáng nói, Công ty Việt Á chi 800 tỉ đồng “hoa hồng”, “bôi trơn” nâng khống giá kít xét nghiệm, bán ở 62 tỉnh, thành phố gây hậu quả khôn lường tại hơn hai chục vụ án khác, khiến hàng trăm bị cáo phải nhập trại.

Chỉ qua mấy vụ đại án gần đây đã khiến chúng ta phải ù tai, hoa mắt trước những con số buồn, lộ diện những kẻ làm nghèo đất nước. Tại sao mỗi phi vụ lại có đông người phạm pháp thế? Phải chăng, có đường dây lợi ích nhóm, tham ô tập thể?

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ