A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để bộ đội nói thật

Bài 1: Cán bộ phải thực sự gần gũi mới tạo được niềm tin cho bộ đội

QPTĐ-Trong công việc hay cuộc sống hàng ngày, không phải bất kỳ ai khi chúng ta quen biết, gặp gỡ đều có thể chia sẻ hết những niềm vui, nỗi buồn sâu kín trong lòng, mà chỉ khi người đó là người thân hay bạn tri kỷ, luôn thấu hiểu, cảm thông và đủ để tin cậy thì chúng ta mới gửi gắm niềm tin để chia sẻ. Chiến sĩ cũng vậy, họ chỉ nói thật, khi người cán bộ thường xuyên gần gũi, giúp đỡ sẻ chia, tạo được niềm tin, uy tín, gương mẫu trong mắt bộ đội, thì lúc đó chiến sĩ họ mới mở lòng để nói thật. Đây chính là những tâm sự của rất nhiều cán bộ đang trực tiếp quản lý, huấn luyện khi chúng tôi khảo sát tại đơn vị.

Một buổi sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa chỉ huy với chiến sĩ.

Phải sâu sát tỉ mỉ mới nghe được lời nói thật

Trước khi bước vào dự buổi sinh hoạt Ngày Chính trị - Văn hóa tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 692 không vào hội trường ngay, mà anh đi thẳng vào bếp ăn của tiểu đoàn. Từ bếp ăn, anh vòng về kiểm tra khu nhà vệ sinh rồi mới ra khu vực nhà ở Đại đội Hỏa lực 4. Bao quát một lượt, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng tiến đến kiểm tra hòm thư góp ý, bình đựng nước uống, nước muối súc miệng của bộ đội rồi lấy cốc múc lên uống một ngụm. Gặp tốp chiến sĩ của đại đội đang trực nhật, anh Dũng nán lại tâm tình với bộ đội, hỏi thăm khẩu phần ăn có bảo đảm không; những ngày nắng nóng, nhà bếp có chế biến đúng thực đơn không; món ăn có bị khô, canh và nước uống có đủ không. Thi thoảng, anh Dũng lại kể mẩu chuyện hài hước khiến không khí hết sức vui vẻ, nhiều chiến sĩ không còn cảm giác sợ sệt “cấp trên cấp dưới”, thẳng thắn tâm sự. Chia sẻ với chúng tôi về phương pháp kiểm tra này, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Đây là kinh nghiệm được rút ra qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy trong toàn đơn vị. Theo đó, các đồng chí cán bộ chủ chốt từ Trung đoàn đến các cơ quan đều áp dụng phương pháp này. Cốt lõi của phương pháp là đi sâu, đi sát, nắm chắc vấn đề, trong đó chúng tôi yêu cầu, cán bộ phải thực hiện tốt 5 cùng với chiến sĩ, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hoạt động và cùng chia sẻ với bộ đội, có nghĩa là mọi hoạt động của bộ đội diễn ra, cán bộ phải cùng thực hiện. Từ đó gần gũi, tạo niềm tin cho bộ đội, để bộ đội chia sẻ, làm rõ thêm vấn đề người cán bộ, chỉ huy cần nắm bắt. Chúng tôi xác định, dân chủ không chỉ ở lời nói, mà phải thông qua hành động gương mẫu, sâu sát của người cán bộ”.

Cán bộ, chiến sĩ cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

Đến Tiểu đoàn Thông tin 610 vào thời điểm gần trưa, nắng bỏng rát, khiến cho con đường bê tông bên trong khuôn viên đơn vị như muốn nứt ra từng mảng, vừa nhìn thấy Binh nhất Phạm Tuấn Dương, chiến sĩ quân bưu áo ướt đẫm mồ hôi, dắt xe vào cổng đơn vị khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển công văn, tài liệu cho các cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh, Đại úy Tô Thanh Tùng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Thông tin 610 ân cần hỏi thăm: “Trời nắng, chai nước sáng nay uống có thiếu không, xe có bị trục trặc gì không em”. Chứng kiến cuộc trao đổi chân thành giữa cán bộ và chiến sĩ đơn vị, tôi hỏi vui Binh nhất Phạm Tuấn Dương: “Chắc em là người nhà cán bộ”, quệt nhẹ những giọt mồ hôi đọng trên trán, Phạm Tuấn Dương tươi cười cho biết: “Do nhiệm vụ quân bưu là cơ động trên đường, nên các anh chỉ huy đơn vị thường xuyên nhắc nhở chúng em mang đầy đủ nước uống, khẩu trang, bảo dưỡng xe đạp thật tốt, tránh gặp sự cố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ các cấp từ trung đội, đại đội đến tiểu đoàn hằng ngày rất quan tâm, chăm lo đến công việc, cuộc sống của tất cả chúng em, chứ em có phải con cháu ai đâu anh”. Trong câu chuyện cởi mở, Dương còn kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm sâu sắc, ấn tượng, khi em mới về đơn vị công tác, do còn lạ lẫm một số cung đường, vì vậy khi thực hiện nhiệm vụ quân bưu em đã về muộn so với thời gian quy định, thế nhưng anh trung đội trưởng không trách mắng mà còn để phần cơm, nước uống cho. Ăn xong còn cho em mượn điện thoại gọi về hỏi thăm mẹ bị ốm, lúc đó em rất xúc động và từ đó luôn coi trung đội trưởng như là người anh trai của mình, có nỗi buồn, niềm vui gì em đều kể cho anh nghe. Chia sẻ “bí quyết” khuyến khích chiến sĩ tâm sự, trao đổi về những điều đang khúc mắc trong lòng, tạo ra môi trường văn hóa dân chủ thực sự, Đại úy Tô Thanh Tùng cho rằng: “Phương pháp hiệu quả nhất đó là, cán bộ các cấp phải gương mẫu, tích cực nêu gương, thường xuyên gần gũi giúp đỡ, lắng nghe, đồng thời phải giải đáp kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Và những yêu cầu này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, hàng ngày, hàng giờ, chứ không phải chỉ từng thời điểm. Có như vậy chiến sĩ mới tin tưởng cán bộ và chia sẻ, nói  thật”.

Khắc phục triệt để mệnh lệnh hành chính và quân phiệt

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692 đọc báo trong giờ giải lao.

Lý giải về các vụ việc vi phạm kỷ luật của bộ đội trong toàn quân thời gian qua, khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị của Bộ Tư lệnh đều thống nhất cho rằng, bên cạnh việc tổ chức duy trì chế độ nền nếp trong huấn luyện, chế độ ngày, tuần còn lỏng lẻo, nhất là ngày nghỉ, giờ nghỉ, tổ chức các phong trào thi đua, các hoạt động vui chơi chưa tốt, thì mấu chốt của nguyên nhân chính là đơn vị chưa phát huy được môi trường dân chủ, đoàn kết thật sự, vẫn còn biểu hiện “dân chủ hình thức”, xem nhẹ, thiếu tôn trọng, không lắng nghe ý kiến của chiến sĩ; thậm chí có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, làm cho bộ đội ngại đóng góp, tham gia xây dựng, đề xuất ý kiến, hoặc có tham gia thì cũng theo kiểu chiếu lệ, xuôi chiều. Từ đó chiến sĩ không chia sẻ, tâm sự, nói thật được lòng mình, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng xảy ra, đội ngũ cán bộ đơn vị đều bị bất ngờ do không biết để nắm và dự báo từ trước.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Quản lý bộ đội hiện nay rất khó, nếu giữ vững nguyên tắc thì bộ đội cho rằng khô khan, cứng nhắc, cán bộ mà gần gũi, thân mật quá thì bộ đội lại quá đà, cư xử thiếu lễ phép, không đúng điều lệnh”. Trung úy Hoàng Mạnh Phong, Trung đội trưởng, Trung đội 3, Đại đội Đặc công, Tiểu đoàn Đặc công 18 cho rằng: “Theo tôi, trong quản lý bộ đội, không phải cái gì cũng mệnh lệnh hành chính hóa, mà phải phân biệt rõ giữa công việc và cuộc sống để ứng xử các mối quan hệ “cán binh” sao cho hài hòa. Thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ cho thấy, nếu người cán bộ chỉ sử dụng mệnh lệnh hành chính, đôi khi nóng nảy, quân phiệt miệng, chất lượng công việc sẽ không cao, mà chiến sĩ họ cũng không phục. Từ đó họ sẽ giữ khoảng cách, không tâm sự, chia sẻ với cán bộ”. Còn theo Đại úy Trần Quang Hải, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Thông tin 610: “Tiêu chí đầu tiên để bộ đội tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ, nói thẳng nói thật, thì người cán bộ đó phải gương mẫu, gần gũi, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ bộ đội. Ví dụ như trong huấn luyện, có những nội dung, động tác khó, nếu một lần bộ đội chưa làm được, thì cán bộ phải tận tình chỉ bảo, hướng dẫn nhiều lần, chứ bộ đội chưa làm được đã quát mắng ngay, thì đương nhiên bộ đội sẽ không đặt niềm tin để tâm sự. Hay trong cuộc sống hàng ngày, có những thắc mắc chiến sĩ họ đưa ra, nhưng cán bộ không lắng nghe, không giải đáp thấu tình đạt lý để chiến sĩ hiểu, rồi thì “cái đó thuộc thẩm quyền cấp trên, lên trên mà hỏi”, thì bộ đội sẽ không ý kiến nữa và không bao giờ nói thật cả”. Cùng chung quan điểm, Thiếu tá Nguyễn Khả Nam, Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 cho rằng: “Gần gũi chiến sĩ sợ chiến sĩ nhờn, cán bộ mất uy, đây là quan điểm không thuyết phục. Trong thực tế, mỗi cán bộ phải định cho mình chừng mực, khuôn phép để giải quyết mối quan hệ với chiến sĩ. Điều quan trọng nhất là cái tâm thương yêu chiến sĩ, sâu sát, gần gũi, đối xử công bằng giữa mọi quân nhân với nhau, tránh mệnh lệnh hành chính, chống quân phiệt bằng chân tay, kể cả quân phiệt miệng. Làm được như vậy, mối quan hệ cán binh luôn bền chặt, môi trường dân chủ sẽ mở rộng, sẽ nghe được nhiều lời nói thẳng của bộ đội”.

Thật vậy, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ Trung đoàn 692, các tiểu đoàn: Thông tin 610, Đặc công 18, Trinh sát 20… của Bộ Tư lệnh, chiến sĩ đều có chung quan điểm, họ chỉ đặt niềm tin và tìm đến cán bộ, khi người cán bộ đó luôn sâu sát, gần gũi, việc gì cũng xắn tay làm cùng, chia sẻ, lắng nghe, giúp đỡ bộ đội, thì ngoài những vấn đề xin tư vấn quyền lợi, chế độ, bộ đội còn sẵn sàng mở lòng bày tỏ băn khoăn về tình yêu, vướng mắc ở gia đình, cũng như cuộc sống tại đơn vị. Ngược lại, nếu đội ngũ cán bộ, nhất là trung đội, đại đội cố tình đưa mình trở thành cấp trung gian, làm việc nặng về mệnh lệnh hành chính, quân phiệt, suốt ngày đi “giày đen bóng loáng”, chỉ tay 5 ngón, sinh hoạt nhận xét chung chung, không rõ người rõ việc, làm tốt không biểu dương, việc xấu không nhắc nhở, bộ đội sẽ giữ quan điểm “im lặng” tất cả, và bầu không khí dân chủ sẽ rơi vào tẻ nhạt hình thức.

Nguyễn Văn Tuân


Mặc dù quyền nói thật của bộ đội luôn được bảo đảm bằng quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào bộ đội cũng sẵn lòng bày tỏ suy nghĩ của mình trong sinh hoạt, học tập, công tác, cũng như thổ lộ tâm tư, nguyện vọng của bản thân trong đời sống hàng ngày. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng xảy ra trong toàn quân thời gian qua, do bất ngờ trong công tác nắm và quản lý tư tưởng bộ đội. Cho nên, yêu cầu bám sát đời sống bộ đội, tích cực phát huy quyền làm chủ của mỗi quân nhân bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của đơn vị để phát huy quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của bộ đội, đã và đang được các đơn vị của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện hiệu quả.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ