A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước chuyển về chất lượng trong công tác giáo dục chính trị-Bài 2

Bài 2: Phát huy sức mạnh tổng hợp- Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị

 

QPTĐ-Trong những năm qua, mọi hoạt động của công tác giáo dục chính trị tại đơn vị đã được cấp ủy lãnh đạo chặt chẽ; người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chủ trì chỉ đạo; phát huy vai trò của cơ quan chính trị các cấp; không có biểu hiện “giao khoán” công tác giáo dục chính trị cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; đã phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng, phương tiện trong đơn vị tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục chính trị.

 

Nâng cao chất lượng cán bộ

Đại tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên Ban CHQS quận Tây Hồ cho biết: Cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp đã cụ thể hóa nội dung Đề án vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác. Cùng với đó, mỗi lần tổ chức hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đều tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác giáo dục chính trị, chỉ rõ khâu yếu, mặt yếu, xác định biện pháp khắc phục. Thiếu tá Đinh Công Viễn, Chính trị viên Tiểu đoàn Thiết giáp 47 cho biết: Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị, Đảng ủy Tiểu đoàn tăng cường vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức chỉ huy; trong các hoạt động của đơn vị như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu truyền thống… đều có sự vào cuộc của cán bộ các cấp, từ chính trị, đến quân sự, hậu cần, kỹ thuật; phát huy tốt vai trò của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục chính trị tại đơn vị.

Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị trong LLVT Ban CHQS huyện Chương Mỹ.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị là “khâu then chốt”, có tính chất quyết định. Thực tế hiện nay, ở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chất lượng cán bộ giảng dạy chính trị tại các đơn vị chưa đều; kỹ năng tiến hành công tác giáo dục chính trị, nhất là kỹ năng giảng dạy chính trị của đội ngũ chính trị viên đại đội và phương pháp duy trì trung đội thảo luận sau giờ học tập chính trị của trung đội trưởng có đồng chí còn hạn chế. Chính vì vậy, việc nắm vững thực trạng phẩm chất, năng lực của cán bộ chính trị và đội ngũ trung đội trưởng, nhất là những điểm còn hạn chế để xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, kiến thức, năng lực toàn diện cho cán bộ là việc cần tiến hành thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị.

Tìm hiểu mô hình, cách làm hay để bồi dưỡng cán bộ, ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Nhà trường thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn, duy trì có hiệu quả hoạt động của Tổ giáo viên giảng dạy chính trị theo quy định. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng theo phân cấp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp đại đội, tiểu đoàn với phương châm: “Cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng cho giáo viên mới ra trường, người đi trước bồi dưỡng cho người đi sau”. Cùng với đó, tổ chức bồi dưỡng thông qua tập huấn, hội thi giảng bài chính trị, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, sinh hoạt trao đổi. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Nhà trường đã tham gia 14 đợt tập huấn cấp Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh với 56 lượt người. Đồng thời, tổ chức tập huấn 11 đợt cấp trường với 415 lượt người. Đặc biệt, đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo giáo án điện tử cho đội ngũ cán bộ chính trị, bí thư, cấp ủy, mời giáo viên chuyên ngành vi tính tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 trực tiếp giảng dạy. Thông qua bồi dưỡng, giúp đội ngũ cán bộ nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.

Hoạt động triển lãm lưu động của Bảo tàng Chiến thắng B-52 góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ LLVT.

Đối với Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301, đơn vị duy trì nền nếp, chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hàng năm, đồng thời, bồi dưỡng thông qua hội thi, hội giảng cán bộ, qua thực hiện chế độ thông qua giáo án, bài giảng, dự giờ… Đặc biệt, tiến hành nâng cao trình độ, kỹ năng giáo dục chính trị cho cán bộ bằng tổ chức các hoạt động phong trào. Trong tháng 4, Trung đoàn đã chỉ đạo tổ chức Hội thi tiếng hát quân nhân. Nội dung thi là những bài hát quy định trong quân đội. Hội thi đã được cán bộ, đoàn viên thanh niên hưởng ứng sôi nổi. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho bộ đội. Thiếu tá Ngô Kim Anh, Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn chia sẻ: “Trong thời gian này, đơn vị đang quản lý, huấn luyện hơn 1.600 chiến sĩ mới. Ban Chính trị đã tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 hình thức giáo dục chính trị chủ yếu. Đặc biệt, đẩy mạnh giáo dục truyền thống qua hoạt động thực tế. Đơn vị đã tổ chức cho chiến sĩ mới đi tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng B-52; Hoàng thành Thăng Long và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp với Nhà hát chèo Quân đội tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong dịp Tết Hàn thực vừa qua, Tiểu đoàn 4 đã tổ chức Hội thi gói bánh trôi, thu hút đông đảo bộ đội tham gia, rất hiệu quả trong giáo dục về truyền thống văn hóa của dân tộc…”.

Tại các đơn vị dân quân tự vệ, việc bồi dưỡng cán bộ được tiến hành chủ yếu qua tập huấn hàng năm, giao ban công tác Đảng, công tác chính trị, rút kinh nghiệm trong các hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ và Hội thi, hội thao… Trung tá Bùi Bá Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Chương Mỹ cho biết: “Một trong những hình thức hiệu quả để bồi dưỡng cán bộ địa phương tiến hành, đó chính là tổ chức Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị trong LLVT Ban CHQS huyện hàng năm. Nhờ vậy, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đồng thời, giúp đánh giá đúng thực trạng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Từ đó, có kế hoạch quản lý, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Hội thi cũng là dịp để các thí sinh là chính trị viên, chính trị viên phó đơn vị dân quân, tự vệ, cán bộ chính trị Ban CHQS huyện có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao kỹ năng giảng dạy chính trị”.

Sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, ở một số đơn vị, việc phát huy các thiết chế văn hoá cơ sở còn bộc lộ không ít hạn chế. Trong đó, hoạt động thư viện, phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin… còn đơn điệu, chưa được tổ chức thường xuyên, chưa thực sự thu hút được cán bộ, chiến sĩ, làm giảm đi hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Chính vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy được chức năng của các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống, lịch sử cho bộ đội.

Giáo dục chính trị góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng cho quân nhân.

Tham quan phòng Hồ Chí Minh tại Tiểu đoàn Đặc công 18, chúng tôi thấy, cùng với tuân thủ nội dung quy định của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đơn vị có tính sáng tạo trong bố trí, tạo nên sự hài hòa, hấp dẫn đối với bộ đội. Có thể kể đến phần trưng bày hình ảnh những tấm gương dũng cảm, hy sinh trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Tiểu đoàn, có tác dụng giáo dục rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ mỗi dịp đến phòng Hồ Chí Minh. Đại úy Triệu Văn Tuyên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn tâm sự: Là đơn vị cơ động chủ yếu của Bộ Tư lệnh thực hiện những nhiệm vụ “đặc biệt”, vì vậy, giáo dục, rèn luyện để bộ đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông kỹ, chiến thuật nghiệp vụ Đặc công, thuần thục các phương án tác chiến được Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đặc biệt chú trọng. Đơn vị thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, trong đó, đột phá vào chất lượng giảng dạy chính trị và giáo dục truyền thống, phát huy các thiết chế văn hóa cơ sở. Bộ đội hiện nay trình độ văn hóa cao, nhiều đồng chí có nhu cầu tìm hiểu thêm về kiến thức văn hóa, kinh tế, xã hội… Do đó, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ hệ thống sách, báo, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, trang bị máy tính có kết nối mạng internet cho phòng Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Muốn làm được điều đó, trước hết, cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh về chính trị. Trong đó, yêu cầu hết sức quan trọng là cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. “Quả ngọt” chỉ có được khi phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, huy động sự vào cuộc của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và địa phương, tập trung mọi nguồn lực cho công tác giáo dục chính trị.

Ngọc Quang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ