A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nét đẹp văn hóa đọc của người chiến sĩ Thủ đô

QPTĐ-Đọc, nghiên cứu tài liệu, sách báo không chỉ là một thú vui giải trí vào giờ nghỉ, ngày nghỉ của bộ đội mà đây còn là nguồn tư liệu quý giá giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết, tích lũy kiến thức về mọi mặt để từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong rèn luyện lễ tiết, tác phong quân nhân, phong cách giao tiếp ứng xử trong học tập và công tác. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quan tâm, tạo điều kiện, đưa văn hóa đọc trở thành nền nếp và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của bộ đội.

Tạo sự say mê, hào hứng với việc đọc, nghiên cứu

Thứ 7 cuối tuần, bên cạnh thú vui giải trí với những chương trình được phát trên tivi, các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn KSQS 103 còn có cho mình một niềm vui khác, đó chính là được đắm mình vào những trang sách, báo tại phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. Mỗi người tự lựa chọn cho mình một thể loại ưa thích rồi nhanh chóng quay về chỗ ngồi để nghiên cứu, đắm mình trong những câu chữ. Cả căn phòng chìm trong sự tĩnh lặng, chỉ thỉnh thoảng vang lên tiếng lật giở của những trang giấy. Được biết, Tiểu đoàn KSQS 103 là một trong những đơn vị duy trì nền nếp hoạt động của phòng Hồ Chí Minh. Với sự đầu tư, quan tâm của cấp ủy, chỉ huy, nơi đây trở thành một lựa chọn yêu thích của cán bộ, chiến sĩ vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Huy Nghĩa, Chính trị viên Tiểu đoàn KSQS 103 cho biết: Để tạo cho bộ đội sự hứng khởi, niềm vui, thời gian qua, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc, nghiên cứu các loại sách, báo, tài liệu; đồng thời thường xuyên bám nắm cơ quan chuyên môn cấp trên, liên tục cập nhật, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu để anh em trong đơn vị nhanh chóng nắm bắt được những thông tin, kiến thức mới, tránh sự nhàm chán, đơn điệu.

Phát huy hiệu quả phòng Hồ Chí Minh tại Tiểu đoàn KSQS 103.

Không chỉ ở Tiểu đoàn KSQS 103, tại các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, việc đọc, nghiên cứu sách, báo, tài liệu cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Cụ thể, đối với các trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc đã tổ chức thành các câu lạc bộ đọc sách báo vào cuối giờ thứ 8 các buổi chiều các ngày trong tuần và ngày nghỉ tại thư viện, phòng Hồ Chí Minh và phòng sinh hoạt tập trung; các trung đội duy trì nghiêm túc “Hòm báo thao trường”, “Ống báo thao trường” để bộ đội giải trí, cập nhật tin tức trong khoảng thời gian giải lao giữa các giờ huấn luyện. Đối với 30 Ban CHQS quận, huyện, thị xã, hàng ngày, các đơn vị đều tổ chức đọc báo tập trung cho cán bộ, nhân viên (thời gian khoảng 30 phút, sau báo thức buổi chiều), kịp thời cập nhất thông tin, kiến thức, đáp ứng với nhu cầu của bộ đội. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị còn tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc thi, hoạt động liên quan đến văn hóa đọc như: Hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc… tạo khí thế sôi nổi, hào hứng đối với việc đọc, nghiên cứu sách, báo, tài liệu.

Kiểm soát chặt chẽ, định hướng kịp thời nguồn thông tin, kiến thức

Chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, chữa cháy-Phòng hóa nghiên cứu tài liệu từ Tủ sách Pháp luật của Đại đội.

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về công nghệ, bộ đội, đặc biệt là lực lượng cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp tại các cơ quan, đơn vị có nhiều cách hơn để tiếp xúc với những thông tin, kiến thức như qua điện thoại thông minh, internet… Bên cạnh những nguồn chính thống thì vẫn có một số bị các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng nhằm tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trước vấn đề đó, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ trau dồi kiến thức, đạo đức qua việc đọc và tìm hiểu, các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để văn hóa độc hại, không lành mạnh len lỏi qua từng trang sách, báo đến với bộ đội. Đại úy Triệu Văn Tuyên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đặc công 18 cho biết: Để ngăn chặn những nguồn thông tin xấu độc xâm nhập vào đơn vị, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó nổi bật là làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền; cụ thể, đơn vị đã thành lập những nhóm zalo, yêu cầu các đồng chí cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp tham gia đầy đủ để kịp thời định hướng trước những nguồn thông tin đa chiều. Cùng với đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn triệt để các loại văn hóa phẩm không lành mạnh xâm nhập vào doanh trại khi bộ đội được tranh thủ, nghỉ phép trở về đơn vị; đồng thời sử dụng hệ thống phát thanh nội bộ để giới thiệu những cuốn sách hay, ý nghĩa, giúp bộ đội lựa chọn dễ dàng những thông tin, kiến thức bổ ích vào giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Sách, báo là món ăn tinh thần không thể thiếu trong giờ nghỉ, ngày nghỉ đối với chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 18.

Ngoài ra, nhiều đơn vị còn tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên làm công tác thư viện, phụ trách phòng Hồ Chí Minh thông qua việc tạo điều kiện cho lực lượng này tham gia các lớp tập huấn do cơ quan cấp trên tổ chức; nhờ đó chất lượng phục vụ, quản lý sách, báo, tài liệu ngày càng được nâng lên rõ rệt; đây cũng là những người đầu tiên kiểm duyệt nội dung trước khi đến tay cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị.

Có thể nói, với sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh, cán bộ, chiến sĩ đã có được cho mình không chỉ những giờ phút giải trí bổ ích sau khoảng thời gian vất vả trên thao trường huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ mà còn bồi dưỡng cho mình nhân cách, tri thức khoa học, hình thành nét đẹp văn hóa đọc của người chiến sĩ Thủ đô.

Phạm Luân

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ