A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam

 

QPTĐ-Trong thời gian gần đây, dư luận không khỏi bức xúc trước những vấn đề xảy ra trong môi trường giáo dục. Đặc biệt là câu chuyện nữ sinh tại trường THCS Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên bị các bạn đánh hội đồng hay vụ việc một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cửa Nam 1, phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An dùng dao bấm đâm bạn trọng thương. Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề của giáo dục thì trên mạng xã hội, facebook cá nhân, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam, xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước và chế độ ta bằng những lập luận vô cùng trắng trợn. Một loạt bài viết sặc mùi phản động như: “Người dân cần chấm dứt bi kịch giáo dục”, “Khi xã hội đen thay trời hành đạo...”, “Oan cho giáo dục quá”, “Cha mẹ không thể ngăn con mình bị tẩy não dưới nền giáo dục của chế độ cộng sản”, “Thần tượng quái gở của giới trẻ Việt”, “Bệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục”, “Chính trị và vấn đề tệ nạn trong giáo dục”. Đặc biệt, tổ chức khủng bố Việt Tân cũng đăng bài viết “Muốn thay đổi nền giáo dục phải thay đổi thể chế”. Chúng cho rằng “Những gì mà nhiều người gọi là “thảm hoạ giáo dục” thật ra là một hậu quả không thể tránh khỏi khi mà đất nước bị cai trị bởi một thể chế chuyên dùng bạo lực để chiếm đoạt quyền lực và luôn gây chia rẽ, hận thù để nắm giữ quyền lực”. 

 

 

Những năm qua, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tích khích lệ. 

Ảnh: Internet


Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu để sáng tạo ra hệ thống giá trị hiện đại, mới mẻ, làm nguồn lực thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Đảng tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo nên lĩnh vực này càng được toàn dân quan tâm. Hơn nữa, hầu như gia đình nào cũng có người đi học nên giáo dục và đào tạo không còn là chuyện của riêng ngành giáo dục, mà là của cả xã hội, của mỗi gia đình.


Mặc dù còn những vấn đề bất cập nhưng không thể phủ nhận những thành tựu quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam. Chúng ta đã huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Quy mô các cơ sở giáo dục không ngừng được mở rộng. Tính đến năm học 2017-2018, bậc giáo dục mầm non có 15.256 trường với tổng số hơn 5,3 triệu trẻ em; bậc giáo dục tiểu học có 14.937 trường với hơn 8,04 triệu học sinh; bậc giáo dục phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông) có 13.773 trường với hơn 7,88 triệu học sinh; bậc cao đẳng, đại học có 295 trường với 1,77 triệu sinh viên.

 

Những con số này là minh chứng sống động về quyền được học tập của trẻ em Việt Nam. Trong Kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực năm 2018, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự. Tất cả các đoàn tham dự đều có thí sinh đạt Huy chương Vàng và 100% học sinh đi thi đều đoạt Huy chương (13 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng) đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trên thế giới, được dư luận xã hội đánh giá cao. Bên cạnh đó, tại kỳ thi khoa học-kỹ thuật Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ, đoàn học sinh Việt Nam đã tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động góp phần tạo nên thành công chung của Hội thi, được bạn bè quốc tế đánh giá tốt và là 1 trong số 43 quốc gia có dự án đoạt giải của Hội thi. Cũng trong năm 2018, 2 Đại học Quốc gia của Việt Nam có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS; trên 10 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng nghiên cứu SCImago. Ngoài ra, còn có 3 cơ sở giáo dục đại học được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars.


Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng, những vấn đề về giáo dục, nhất là bạo lực học đường không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà tồn tại ở tất cả các nước. Ở Mỹ, tình trạng xả súng “như cơm bữa” tại trường học là nỗi kinh hoàng của người dân. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tình trạng bạo lực học đường cũng đang ở tình trạng báo động. Theo một thống kê được công bố vào tháng 10/2018, ở năm học trước đó, đã có 414.378 vụ bắt nạt diễn ra trên khắp các trường ở Nhật Bản. Ít nhất có 10 học sinh đã tự tử do bị bạo lực học đường. Như vậy, có thể khẳng định, vấn nạn bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Nó là vấn nạn mà rất nhiều quốc gia phải đối mặt.


Việc các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng sự kiện, vấn đề nóng để xuyên tạc tình hình đất nước, từ đó vu khống Đảng, Nhà nước, kích động người dân chống đối chính quyền không phải là thủ đoạn mới mẻ nếu không muốn nói đó là những giọng điệu lạc lõng, cũ rích. Vì vậy, mỗi người dân cần tin tưởng vào chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, đồng thời lên án, đấu tranh với những kẻ cố tình vu khống, bôi nhọ, phủ nhận những thành tựu vô cùng quan trọng của nền giáo dục Việt Nam.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ