A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ một sáng kiến

 

QPTĐ-Đến Kho 813, Cục Hậu cần, chúng tôi được chỉ huy đơn vị giới thiệu một trong những sáng kiến đang được ứng dụng rất hiệu quả trong thực tiễn. Đó là sáng kiến “Phương tiện vận chuyển cuộn dây cáp điện cho máy phát 10kva đến 50kva (ký hiệu xe VT)” do Đại úy QNCN Ngạc Đình Việt, Thủ kho doanh trại  và Trung tá QNCN Ngô Văn Thành, nhân viên doanh trại chế tạo.

 

 

Sáng kiến “Phương tiện vận chuyển cuộn dây cáp điện cho máy phát 10kva đến 50kva”.

 

Trước đây, trong quá trình phục vụ diễn tập, hội thao của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các đơn vị trực thuộc, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường phải cơ động đi xa, địa hình phức tạp nên việc vận chuyển dây cáp gặp nhiều khó khăn. Trọng lượng dây lớn, mỗi một cuộn dây dài 200m, nặng 300kg. Mỗi lần di chuyển dây cáp bộ đội mất nhiều công sức, đơn vị phải sử dụng 5 đến 6 đồng chí chiến sĩ để vận chuyển, nên tính cơ động không cao. Trong quá trình thu dây về, nhập lại vào kho, dây thường bị xước nhiều chỗ. Qua nhiều lần di chuyển theo phương pháp thủ công như vậy, chất lượng của dây cáp bị xuống cấp, tốn nhiều kinh phí đầu tư mua sắm. Hơn thế, nhược điểm của các cuộn dây cáp này là hay xảy ra hiện tượng đứt ngầm, khó phát hiện điểm bị đứt, dễ mất an toàn. 


Đại úy QNCN Ngạc Đình Việt đã bàn với Trung tá QNCN Ngô Văn Thành nghiên cứu tìm ra giải pháp kỹ thuật. Hai anh đã cùng nhau thiết kế một chiếc xe vận chuyển và cuộn dây cáp điện. Nghĩ là làm, hai anh tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ mày mò, tự tìm hiểu kiến thức qua sách vở, tham khảo kiến thức chuyên ngành từ bạn bè, đồng chí, đồng đội. Và qua không ít lần thất bại, cuối cùng, đầu năm 2019, sáng kiến “Phương tiện vận chuyển cuộn dây cáp điện cho máy phát 10kVA đến 50kVA” đã hoàn thành và thử nghiệm thành công. Hiệu quả của sáng kiến mang lại trên thực tế cho đơn vị khi áp dụng. Trung tá QNCN Ngô Văn Thành chia sẻ: “Khó khăn nhất khi làm sáng kiến này là chế tạo bộ bánh tự lựa, chúng tôi chọn loại bánh trơn không ma sát, bon được trong mọi địa hình cũng như điều kiện thời tiết, thiết kế làm sao để bánh xe có thể xoay hướng chuyển động theo ý định của người sử dụng. Do đặc thù không có trang thiết bị kỹ thuật và thiết kế mẫu để tính toán, kiểm đo nên quá trình thực hiện, chúng tôi vừa tính toán vừa thực hiện trên cơ sở lý thuyết và thực tế thử nghiệm tại đơn vị cho đến khi đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật và mục đích sử dụng”.


Quan sát chúng tôi thấy chiếc xe này được thiết kế khá đơn giản, bao gồm các hệ thống chính như: Bánh xe, khung xe, vòng bi, lô cuốn, tay quay. Vật tư dùng để chế tạo cũng thông dụng trên thị trường. Gọi là xe bởi dụng cụ này được chế tạo với những tiêu chí đặc thù và chỉ phục vụ riêng cho công việc thu, rải dây cáp điện trong mỗi lần làm nhiệm vụ và vận chuyển hàng hóa trong kho. Thiếu tá Trần Tuấn Anh, Trưởng Kho K813, Cục Hậu cần cho biết: “Từ khi có chiếc xe này, dây cáp điện trong kho được cuốn lại gọn gàng hơn, thuận tiện cho công tác bảo quản, sắp xếp thống nhất, tiện dụng và hiệu quả. Đặc tính đạt được là bảo đảm tốt cho nhiệm vụ diễn tập, hội thao và dự trữ sẵn sàng chiến đấu, giảm kinh phí đầu tư mua sắm, giảm sức người, vận chuyển; chỉ cần sử dụng 2 đồng chí là có thể đảm bảo tốt nhiệm vụ. Thấy hay, đơn vị đã triển khai cho hai anh làm thêm 5 cái nữa để áp dụng vào sắp đặt lại dây cáp trong Kho ngăn nắp, đúng quy cách”. 


Có thể thấy, sáng kiến của hai người lính thợ thuộc Cục Hậu cần có tính mới, tính sáng tạo. Việc triển khai, áp dụng sáng kiến trên trong thực hiện nhiệm vụ không chỉ góp phần nâng cao hiệu suất lao động mà tình trạng kỹ thuật của các thiết bị như dây cáp điện, đầu nối, bộ chia điện của máy phát ổn định, an toàn hơn, hạn chế đứt ngầm, chập điện; giảm kinh phí đầu tư mua sắm, giảm sức người, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ diễn tập, hội thao và cần thiết cho nhiệm vụ dự trữ sẵn sàng chiến đấu tại kho và các đơn vị. 


Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ