A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Cần Kiệm thăm: Nhà lưu niệm Bác Hồ

 

70 năm đã qua, ngôi nhà đơn sơ nơi Bác Hồ đã sống và làm việc từ ngày 13/01 đến 02/02/1947 tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ cẩn thận để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến công ơn trời biển của Người. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục về truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

 

 

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.

 

Từ chùa Tây Phương đi chừng hơn 1 km, chúng tôi đến xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, nơi có Nhà lưu niệm Bác Hồ. Từ tấm biển chỉ dẫn ở cạnh đường bê tông, theo con dốc nhỏ, đi lên chừng vài chục bậc đá ong, căn nhà nhỏ nằm trên một quả đồi, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc hiện ra thật đơn sơ, gần gũi. Trước mắt chúng tôi, hình ảnh vị Cha già của dân tộc như còn đó, đêm đêm bên chiếc đèn dầu, trong ngôi nhà vách đất, tường đảng bằng tre, mái lợp lá cọ, ngồi sửa và viết những tài liệu quan trọng chỉ đạo toàn quốc kháng chiến.

 

Chị Nguyễn Thị Lũy, cháu của cụ Nguyễn Đình Khuê, chủ ngôi nhà, dẫn chúng tôi đi thăm Nhà lưu niệm, say sưa giới thiệu về chiếc giường tre nơi Bác nằm nghỉ, chiếc bàn Bác ngồi làm việc và cả những vật dụng Người dùng trong sinh hoạt hàng ngày như chậu rửa mặt, chum đựng nước, chiếc đèn măng-xông… Rồi chị xúc động cho biết: “Cụ tôi kể lại rằng, ngày 13/01/1947, cụ nhận được thông báo có đoàn cán bộ đến nghỉ trong căn nhà gia đình mới làm trên đồi. Khi ấy, trên đồi cây cối còn rậm rạp, từ đường chính, muốn đến đó phải len qua rừng cây, hoặc đi men theo đường nhỏ như bờ ruộng, cách xa trung tâm nên hết sức bí mật. Sau 19 ngày sống và làm việc tại đây, trước khi đi, người cán bộ đêm hay ngồi viết sách cho mời cụ sang để cảm ơn, căn dặn cụ cùng các con cháu tích cực ủng hộ kháng chiến, tuyệt đối giữ bí mật. Và mãi về sau, cụ tôi mới biết, người mời cụ sang dặn dò hôm đó chính là Bác Hồ kính yêu. Nhớ lời Bác dặn, gia đình tôi và nhân dân xã Cần Kiệm luôn một lòng, một dạ theo Đảng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Và chính trong căn nhà đơn sơ ấy ở thôn Phú Đa, ngay ngày đầu tiên ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước”, trong đó có đoạn: “Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo, chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện”. Những ngày sau đó, Người cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ đã thảo luận và quyết định những việc hệ trọng tới vận mệnh đất nước.

 

Tại đây, Người nhiều lần viết thư cho đồng chí Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) để giao nhiệm vụ tổ chức và chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, rồi về vấn đề tản cư cho nhân dân, vấn đề nhân sự cán bộ, và nhiều công việc quan trọng khác. Ngày 15/01, Người viết “Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến”. Sau khi giải thích “Vì sao ta phải kháng chiến” và ý nghĩa của việc phá hoại đối với cuộc kháng chiến, Người hô hào: “Mọi người đều ra sức giúp phá. Phá cho rộng, phá cho sâu, phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được. Một nhát cuốc của đồng bào, cũng như một viên đạn của chiến sĩ bắn vào quân địch vậy”. Người còn viết “Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô”. Bức thư có đoạn: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”. Cùng với đó, Người viết và sửa lại một số tài liệu quan trọng như: Phép dùng binh của ông Tôn Tử, Chiến thuật du kích, Người chính trị viên…

 

Chiều tối ngày 21/01, Người rời Cần Kiệm lên đường đi Quốc Oai họp Hội đồng Chính phủ. Ngay đêm đó, sau khi họp xong, Người lên xe đến Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) đọc thơ chúc Tết gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió; Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông; Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến; Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng; Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào; Sức ta đã mạnh, người ta đã đông; Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.

18 giờ 30 phút ngày 02/02, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xã Cần Kiệm chuyển đến khu chùa Một Mái, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. 19 ngày Người lưu lại thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm tuy không nhiều, nhưng là niềm tự hào, trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

 

Đỗ Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội