A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế độ hưu trí áp dụng từ 01/01/2018

 

01/01/2018 là mốc thời gian thực hiện một số quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi về chế độ hưu trí, nội dung này thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động. Để giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn nội dung này, bài viết sẽ thông tin một cách cụ thể về công thức tính lương hưu, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu từ năm 2018.

 

 

Từ 01/01/2018, chế độ hưu trí có những thay đổi mới.

 

1. Công thức tính lương hưu

Luật BHXH 2014 quy định, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu bằng 45% tương ứng với đủ 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2% tối đa không quá 75%. Như vậy, để đạt tỷ lệ 75% lương hưu thì lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH (nghỉ hưu trước năm 2018 thì lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ 75%), những lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%.

 

- Lao động nam nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau:

 Năm 2018 quy định đủ 16 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 31 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

Năm 2019 quy định đủ 17 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 32 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

Năm 2020 quy định đủ 18 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 33 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

 

Năm 2021 quy định đủ 19 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 34 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

Từ năm 2022 trở đi quy định đủ 20 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% tối đa không quá 75% (đủ 35 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).

Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 thì phải có đủ 31 năm đóng BHXH mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Tương tự đối với các trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019; 2020; 2021 và 2022 tương ứng phải đủ 32, 33, 34, 35 năm đóng BHXH thì mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.

 

2. Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo độ tuổi nghỉ hưu

Tỷ lệ hưởng lương hưu ngoài việc bị tác động bởi thời gian tham gia đóng BHXH như nêu trên còn phụ thuộc vào độ tuổi khi nghỉ hưu: Tuổi quy định được hưởng lương hưu phụ thuộc điều kiện làm việc, chức danh nghề, công việc nơi đang làm việc. Đối với người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, công nhân quốc phòng thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, trong trường hợp điều kiện nghỉ hưu theo quy định của pháp luật BHXH tính theo năm công tác trong quân đội thì độ tuổi không là căn cứ tính tỷ lệ hưởng lương.

NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 thì tuổi quy định là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ

NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì tuổi quy định là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ.

 

NLĐ làm công việc khai thác than trong hầm lò thì tuổi quy định được hưởng lương hưu là đủ 50 tuổi.

Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ, một số trường hợp được kéo dài thời gian làm việc không quá 5 năm tương ứng sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn 60 tuổi đối với nam, cao hơn 55 tuổi đối với nữ.

Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với người về hưu trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định như sau:

Đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau: tính tỷ lệ hưởng theo số năm đã đóng BHXH theo thời gian đã đóng BHXH theo cách tính trên, sau đó, tính tỷ lệ phải giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi quy định (trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định nêu trên); cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2% (cả nam và nữ); khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ %. Tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

 

3. Cách tính mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng BHXH làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ hưu trí

Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với  người lao động (NLĐ) có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được thực hiện như sau:

+ Tham gia BHXH trước năm 2016: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu (bằng hệ số tiền lương nhân với mức lương tối thiểu chung, nay là mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu).

Số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH theo bảng sau:

Thời gian bắt đầu tham gia BHXH;  số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Trước ngày 01/01/1995 là 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 là 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 là 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 là 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 là 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 là 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Từ ngày 01/01/2025 trở đi: Của toàn bộ thời gian.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, công thức tính lương hưu, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu áp dụng công thức, cách tính như đối với chế độ BHXH bắt buộc, chỉ có khác là BHXH tự nguyện không quy định nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Cách tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH: Thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh tại thời điểm hưởng BHXH theo quy định của Chính phủ.

 

4. Cách tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là khoản trợ cấp trả cho số năm đóng BHXH cao hơn số năm đóng BHXH quy định tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.

Cách tính, cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm đóng BHXH quy định tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập đóng BHXH.

 

Theo đó, trước ngày 01/01/2018 thì lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ năm thứ 26 trở đi; lao động nam có thời gian đóng BHXH từ năm thứ 31 trở đi được hưởng khoản trợ cấp này.

Từ ngày 01/01/2018 trở đi có sự thay đổi cụ thể quy định về thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ tối đa 75%, đối với lao động nữ là đủ 30 năm đóng BHXH, đối với lao động nam thì quy định có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ tối đa 75%: từ 2018 trở đi, mỗi năm tăng thêm 01 năm cho đến năm 2022 lao động nam phải có đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75% (lộ trình cụ thể như sau: năm 2018=31 năm; 2019=32 năm; 2020 = 33 năm; 2021 = 34 năm; 2022 = 35 năm).

Như vậy, từ năm 2018 lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH từ năm thứ 31 trở đi, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 thì phải có thời gian đóng BHXH từ năm thứ 32 trở đi mới được nhận khoản trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Tương tự, đến năm 2022 phải có thời gian đóng BHXH từ năm thứ 36 trở đi mới được nhận trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

 

Thuỳ Dương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ