A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OPEC+ cam kết giữ giá dầu ở mức cao

QPTĐ-Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng châu Á tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia, ngày 26/6 vừa qua), Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) H.Al Ghais cho biết: Dầu mỏ là thứ không thể thay thế trong tương lai gần. Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tức là trong thời gian đến 20 năm tới, dầu sẽ vẫn chiếm khoảng 29% hỗn hợp năng lượng, đẩy nhu cầu năng lượng của thế giới tăng 23%. OPEC kêu gọi các quốc gia thành viên và đối tác (OPEC+) nghiêm chỉnh tuân thủ các thỏa thuận khai thác, cung ứng dầu, giữ giá dầu ở mức cao, phát triển thịnh vượng ngành “vàng đen”.

Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh.
Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông H.Al Ghais, vấn đề đầu tư dưới mức trong ngành dầu mỏ thời gian qua, sẽ là thách thức khả năng tồn tại của các hệ thống năng lượng hiện thời và dẫn đến sự hỗn loạn trong thị trường năng lượng. Dự báo, từ nay đến năm 2030, có thêm nửa tỉ người chuyển đến các thành phố trên khắp thế giới khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục mở rộng. Thế giới sẽ cần nhiều dầu hơn chứ không phải là ít đi. 

Dự báo này của nhà lãnh đạo OPEC mâu thuẫn với dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu hằng năm giảm từ 2,4 triệu thùng (năm 2023) xuống còn 0,4 triệu thùng (năm 2028) bởi công nghệ mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ thay thế nguồn năng lượng từ than đá, dầu khí. 

Ngân hàng Thế giới (WB) đưa thông tin, tăng trưởng toàn cầu ước tính sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ còn 2,2% mỗi năm (từ năm 2023 đến năm 2030), giảm từ mức 2,6% (giai đoạn 10 năm tới, 2031-2041). Điều đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, IEA (10/6) dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 6% (từ năm 2022) sẽ lên 105 triệu thùng/ngày vào năm 2028 nhờ lĩnh vực hóa dầu và hàng không.

Cuộc chiến dầu mỏ đã diễn ra gay gắt trong nhiều thập kỷ qua nhưng căng thẳng nhất, đối đầu mạnh mẽ nhất phải kể đến giai đoạn từ năm 2014 đến nay, kể từ thời điểm Mỹ, phương Tây bao vây cấm vận Nga, trong khi ngân sách của Moskva phụ thuộc đến 60% vào xuất khẩu dầu, khí. Với Arab Saudi cũng vậy, nền kinh tế dựa phần lớn vào nguồn thu dầu mỏ. Đây chính là thời điểm tốt nhất để Moskva và Riyadh bắt tay nhau, vì mục tiêu kinh tế, cứu giá dầu.

Tổ chức OPEC+ (bao gồm OPEC và đối tác) với 23 thành viên ra đời sau đó, do Arab Saudi và Nga dẫn dắt, chính là sự hợp tác đa phương, đối trọng với các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ, trong khi Mỹ chủ trương, quyết hạ giá dầu xuống đáy. Giai đoạn 2014-2015, có phiên giao dịch, dầu chỉ còn 40-30 USD/thùng, khiến các nhà đầu tư, khai thác dầu, khí thua lỗ nặng.

Đầu tháng 6, trong cuộc họp chính sách liên minh OPEC+ (ngày 10/6 tại Vienna), các nước thành viên nhất trí điều chỉnh tổng sản lượng khai thác toàn khối ở mức 40,46 triệu thùng/ngày (2023-2024), trong đó cắt giảm tiếp 2 triệu thùng/ngày (đến 12/2023). Tính chung, tổng cộng đợt cắt giảm này đã lên đến 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Các nước: Iraq, UAE, Oman, Algeria, Kuwait, Kazakhstan đã công số sản lượng cắt giảm.

Trong năm, Arab Saudi duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10 triệu thùng/ngày (tháng 5), 9 triệu thùng/ngày (tháng 7, cắt giảm 1 triệu thùng so với năm trước). Đây là mức cắt giảm lớn nhất của Riyadh trong nhiều năm qua và có thể cắt giảm sâu, kéo dài, nếu cần thiết. Năm 2024, Arab Saudi đăng ký sản lượng khoảng 10,478 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng gần 2 triệu thùng/ngày so với năng lực khai thác. Phát biểu với báo giới tại Hội nghị OPEC+, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi S.bin Salman cam kết, thúc đẩy giá “vàng đen” thế giới. 

Tương ứng, Nga duy trì sản lượng cắt giảm (giai đoạn 2021-2023) từ 500.000 thùng đến 650.000 thùng/ngày, xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày, kể từ tháng 1/2024. Nga và Arab Saudi là đầu tàu liên minh OPEC+, điều tiết sản lượng và đang cung cấp khoảng 40% dầu thô thế giới, đồng nghĩa các chính sách của tổ chức này có tác động điều chỉnh giá dầu toàn cầu. 

Việc Arab Saudi và Nga tiếp tục giảm mạnh sản lượng khai thác dầu (kể từ tháng 7 này), dự báo sẽ khiến sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong quý III/2023, có khả năng giá dầu Brent trở lại ngưỡng 100 USD/thùng?

Sau khi Nga, Arab Saudi cắt giảm đến 1 triệu thùng/ngày thì Mỹ nổi lên giành ngôi vị số 1 thế giới, sản lượng hơn 11 triệu-12 triệu thùng/ngày. Hiện, Mỹ là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu sang châu Âu, thay thế Nga, trong khi nguồn dầu từ Nga sang EU giảm từ 31% xuống còn 4% (12/2022) và ngừng hẳn từ 5/2/2023. 

Trước việc liên minh OPEC+ cắt giảm sâu sản lượng khai thác dầu thô khiến nguồn cung khan hiếm, giá dầu thế giới cao hơn 80 USD/thùng, Nhà Trắng cho đó là “hành động thiếu sáng suốt”; đồng thời cho rằng, Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và bên tiêu thụ, tập trung vào giá xăng dầu dành cho người Mỹ. 

Tổng thống J.Biden đã không dưới một lần ban hành sắc lệnh mở kho dự trữ dầu nhằm hạ giá dầu thế giới, đồng nghĩa với siết chặt nguồn thu lợi nhuận của Nga từ dầu mỏ. Viện Dầu khí Mỹ cảnh báo, dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm hơn 6 triệu thùng trong mấy tháng qua. Bộ trưởng Năng lượng J.Granholm cho biết, Mỹ sẽ mua lại dầu thô nhập kho dự trữ chiến lược (SPR) vào cuối năm nay. SPR đang chứa khoảng 372 triệu thùng, mức thấp nhất trong 40 năm qua.

Giới chuyên gia cho rằng, Arab Saudi quyết tâm duy trì giá dầu ở mức cao để tài trợ cho một loạt các dự án lớn đầy tham vọng liên quan đến kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Thái tử M.bin Salman nhằm cải tổ nền kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, có thể chiếm 40% nhu cầu dầu mỏ thế giới ngay trong năm 2023.

 Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman dự báo, giá dầu Brent sẽ đạt 95 USD/thùng (cuối năm 2023) và 100 USD/thùng (2024). Arab Saudi và các thành viên OPEC+ có thu nhập tăng 7% do dầu tăng giá. Với Nga, doanh thu xuất khẩu dầu khí tăng trưởng: 244,2 tỉ USD (năm 2021), 337,5 tỉ USD (năm 2022); bất chấp phương Tây cấm vận vẫn có thể thu 255 tỉ USD (năm 2023).

Minh Ngọc
 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ