A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức lan tỏa từ Cuộc thi “Người tốt việc tốt”

QPTĐ-Năm 2025 là năm thứ 11 thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai Cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt (Cuộc thi). Thành phố tiếp tục triển khai sâu rộng đến các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị tích cực hưởng ứng tham gia. Công tác phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng được thực hiện kịp thời, ngay từ cơ sở. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng những hành động đẹp, việc làm tốt, xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại.

Nhân lên nhiều điển hình hay, việc làm tốt

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải trao giải Đặc biệt trong cuộc thi viết về gương Người tốt việc tốt của Hội Nhà báo Thành phố tổ chức cho nhà báo Trần Thị Nguyệt Ánh.

Năm nay, UBND Thành phố tiếp tục đưa nội dung triển khai Cuộc thi là tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị thuộc Thành phố. Hằng tháng, UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc Thành phố tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện các chương trình giao lưu tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước của Thành phố.

Hội Nhà báo thành phố Hà Nội là cơ quan thường trực đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Cuộc thi; chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyên truyền, phân công cán bộ, phóng viên viết về các gương ĐHTT, NTVT để đăng tải, tuyên truyền và tham gia Cuộc thi. Đồng thời, định hướng nội dung tuyên truyền gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và Thành phố phát động như: Phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, văn hóa công sở, thi đua người tốt việc tốt...

Tính đến thời điểm kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 278 tác phẩm báo chí và 1.514 bài viết được lựa chọn trong số hàng vạn bài dự thi cấp cơ sở. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục là lực lượng nòng cốt tham gia cuộc thi với 853 bài viết, chiếm tỷ lệ 56% tổng số tác phẩm không chuyên. Một số đơn vị có số lượng nhiều bài dự thi cấp Thành phố như: Huyện Mỹ Đức, huyện Sóc Sơn, quận Đống Đa, quận Ba Đình, Thành đoàn Hà Nội, Liên đoàn Lao động, Công an Thành phố, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Các tin, bài dự thi chủ yếu tập trung phát hiện, giới thiệu, phản ánh và tuyên truyền về các gương ĐHTT, NTVT là các nhân tố mới, sự việc mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội của Thủ đô. Bên cạnh các mảng, lĩnh vực có nội dung được viết nhiều như: Viết về giáo viên, học sinh, viết về công chức và cán bộ cơ sở, viết về các cá nhân người tốt việc tốt như trong lực lượng vũ trang, nông dân, công nhân, doanh nhân, nhà khoa học…

Nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo thành phố Hà Nội cho biết: “Đa số các tác phẩm gửi dự thi đều đạt tiêu chí thể lệ đề ra, bài viết có bố cục phù hợp, phản ánh người thật, việc thật, rõ con người, rõ địa chỉ nơi ĐHTT, NTVT cư trú hoặc học tập, công tác. Nhiều bài dự thi trình bày đẹp, công phu, sáng tạo, có nhiều hình ảnh, số liệu minh họa phong phú được phân tích, liên hệ chặt chẽ; nhiều bài dự thi thể hiện cảm xúc trân trọng đối với nhân vật và sự tâm huyết của tác giả đối với Cuộc thi. Đối với các tác phẩm báo chí, có nhiều sự thay đổi về hình thức trình bày, một số cơ quan báo chí áp dụng kỹ thuật làm báo hiện đại như: Longform, megastory giúp tác phẩm lột tả được tính chân thực của nhân vật với âm thanh, hình ảnh sinh động, đẹp và cuốn hút người đọc, người xem”.

Qua theo dõi cuộc thi, chúng tôi thấy các tấm gương, tập thể ĐHTT đều được phát hiện hiện ở nhiều lĩnh vực. Đó là những tấm gương về cán bộ công chức tận tụy với công việc, tận tâm với nghề, có nhiều sáng kiến trong thực thi công vụ, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; những tấm gương học sinh nghèo vượt khó, nỗ lực vươn lên học tập và đạt nhiều thành tích; các thầy, cô giáo có nhiều tâm huyết, yêu nghề, có sáng kiến cải tiến trong phương pháp dạy và học được đồng nghiệp đánh giá cao; các bác Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận, hội viên Hội Cựu chiến binh, bản thân là những đảng viên, cán bộ hưu trí mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương… Nhiều tác phẩm, bài viết có chất lượng, thể hiện được hành động, việc làm tốt của nhân vật, gây cảm động. Ví dụ như tác phẩm "Chuyện về người cha đặc biệt" đã kể lại câu chuyện về người cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt, với 20 năm kiên trì thành lập các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng hơn 300 trẻ em mồ côi, có hoản cảnh khó khăn. Tác phẩm báo điện tử "Những trái tim nhiệt huyết lao vào rốn lũ" (Báo Kinh tế đô thị) viết về Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam - Đội cứu hộ đường thủy PVC (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội) không quản ngại nguy hiểm, phát huy sức trẻ, vai trò xung kích lao vào vùng rốn lũ do cơn bão số 3 (Yagi) 2024 gây ra, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng…mắc kẹt trong dòng nước, vượt qua khó khăn. Tác phẩm báo điện tử: “Người gìn giữ môn nghệ thuật rối cạn của Thủ đô”, viết về anh Phạm Công Bằng ở Mỹ Đức với gần 40 năm cống hiến bằng tâm huyết, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nói chung và bộ môn nghệ thuật đặc sắc rối cạn Tế Tiêu….

Ban Tổ chức Cuộc thi Thành phố đã lựa chọn 182 tác phẩm báo chí và bài viết vào Chung khảo, gồm 90 tác phẩm báo chí, 92 bài viết không chuyên, quyết định tặng giải thưởng cho 43 tác giả có tác phẩm báo chí, bài viết tiêu biểu. Kết quả trên cho thấy cuộc thi là một giải pháp hiệu quả, có sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo không khí thi đua sôi nổi tại các cơ quan, đơn vị và trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Nỗ lực làm việc tốt mỗi ngày

Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, người gìn giữ môn nghệ thuật rối cạn của Thủ đô, nhân vật trong bài viết đăng trên Báo điện tử Quốc phòng Thủ đô đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi.

Tại chương trình tổng kết Cuộc thi, chúng tôi đã gặp và trò chuyện cùng chị Trần Thị Nguyệt Ánh, phóng viên Báo Hànộimới là tác giả đã xuất sắc đoạt giải Đặc biệt của Cuộc thi với tác phẩm “Chuyện về người cha đặc biệt”. Được biết, trong 22 năm làm báo, chị Ánh đã gặp và viết nhiều người tốt, việc tốt. Chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp của những người tốt là điều mà chị cảm động, trân quý nhất. Mỗi người một vẻ nhưng họ đều cho chị thấy cuộc sống thật tươi đẹp, ý nghĩa và người tốt vẫn luôn quanh ta. Điều đáng quý là chị đã có 8 năm liên tục tham gia giải báo chí viết về gương "Người tốt, việc tốt" của Thành phố. Năm 2019 chị giành giải Nhất với bài viết “Người đi tìm ký ức hào hùng” khi viết về chị Phạm Thị Dần ở Phú Xuyên, người đã viết bài tôn vinh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc và hỗ trợ nhiều gia đình hoàn thiện thủ tục để Nhà nước truy tặng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2022, bài “Canh cánh tâm nguyện giúp đời”, chị viết về Công dân ưu tú Thủ đô Phan Thị Bính ở Hoàng Mai, người đã bỏ tiền mua xe cứu thương để chở miễn phí bệnh nhân của chị đạt giải Ba. Và năm nay 2025, chị giành giải Đặc biệt khi viết về cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt. Bài viết kể về cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt, một "ông bố" đã dành hơn hai thập kỷ để nuôi dạy hơn 300 trẻ mồ côi. Ông Chắt không chỉ cung cấp nơi ở, thức ăn, mà còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, và định hướng nghề nghiệp cho các em.

Nhà báo Nguyệt Ánh chia sẻ: “Tôi biết đến ông Chắt từ 5 năm trước, nhưng cơ duyên lúc đó tôi chưa viết về ông. Mãi đến cuối năm 2024, tôi mới  gặp ông khi ông nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của thành phố Hà Nội và sau đó mới trao đổi và viết bài. Cảm phục ông là một người cựu chiến binh từng tham gia nhiều chiến dịch quan trọng góp phần bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Một người lính sau khi nghỉ hưu, đã dành tâm huyết và tài lực để thành lập ba trung tâm bảo trợ xã hội: Trung tâm Hy Vọng ở Hưng Yên và Lạng Sơn để nuôi dưỡng 300 trẻ em. Tôi vô cùng tự hào và xúc động khi bài viết của mình được trao tặng Giải thưởng đặc biệt, giải thưởng rất ý nghĩa vào đúng dịp 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Vui hơn nữa là bài viết lan tỏa được hình ảnh việc làm tốt của ông Chắt tới người xung quanh. Đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất”.

Chia sẻ về những khó khăn khi viết về gương "Người tốt, việc tốt", chị tâm sự: Có nhiều người làm việc tốt nhưng họ từ chối không muốn lên báo. Nhiều khi phải thuyết phục họ để lan tỏa những điều tốt đẹp. Khó nữa mà tôi sợ là viết mà không thể kể cũng như nêu bật được việc làm tốt của họ. Bài viết được đăng báo, tôi nhận được những lời cảm ơn, những nụ cười hạnh phúc của nhân vật khi đọc bài, hay giúp được những hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn”.

Theo nhà báo Nguyệt Ánh cho biết, tiền thưởng của giải Đặc biệt, chị dự định sẽ làm thiện nguyện, một nửa chị sẽ gửi Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hànộimới và nửa còn lại chị tặng cho Trung tâm hy vọng của cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt. Chị tâm niệm, mỗi ngày làm 1 việc tốt thì tối đến sẽ ngủ ngon, mỗi ngày làm 1 việc tốt để nhân lên nhiều hơn những việc làm có ý nghĩa trong xã hội.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội