A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần những chủ trương dài hạn để du lịch Thủ đô phát triển

QPTĐ- Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích văn hóa lịch sử; trong đó, có trên 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 20% so với cả nước. Toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng và 47/52 nghề của toàn quốc. Cùng với đó, Hà Nội còn có các cơ sở văn hóa, thông tin của cả nước, các bảo tàng cấp quốc gia, các công trình thể thao tầm cỡ quốc tế, các trung tâm thương mại, mua sắm quy mô lớn.

Du lịch Hà Nội cần có những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn  để phát triển.

Ảnh: Internet

Là địa phương nằm ở phía Tây Bắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có hệ thống thủy văn lớn với nhiều con sông như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống…; nhiều cảnh quan sinh thái đa dạng, phong phú cùng không gian nông nghiệp truyền thống lâu đời với 2 vành đai cây chuyên canh và trồng hoa, cây cảnh ngoại thành tạo cảnh quan sinh thái phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trang trại. Đây là những lợi thế cơ bản để Hà Nội xây dựng nên các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Tại chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố do Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình làm Trưởng đoàn làm việc với Sở Du lịch và Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, các đại biểu cho rằng, Du lịch Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Cụ thể, giai đoạn từ 2017 đến tháng 5/2023, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành 44 văn bản chỉ đạo điều hành và tham mưu với UBND Thành phố ban hành 26 kế hoạch, chương trình phát triển du lịch Thủ đô. Qua đó đã tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô. Giai đoạn năm 2017-2019, tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 19,35%/năm. 

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội sụt giảm mạnh, dẫn đến tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 28.021 tỷ đồng, giảm 73% so với năm 2019, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình về tổng thu của cả giai đoạn 2017-2020 giảm xuống còn -3,74%. Năm 2021, du lịch Hà Nội không đón khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% kế hoạch đề ra). 

Năm 2022, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng, đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành Du lịch, chưa ngang tầm với các nước trong khu vực vì nhiều nguyên nhân.

Ghi nhận kết quả đạt được và chia sẻ với những khó khăn của Sở Du lịch và Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Mặc dù đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, song, hiện nay nhận thức và chuyển hóa thành những hành động cụ thể của một số địa phương còn chưa tới. 

Do đó, thời gian tới, Sở Du lịch cần tham mưu cho Thành phố những giải pháp để quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trong người dân và doanh nghiệp; đặc biệt là những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn hơn nữa trong lĩnh vực này. Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình khẳng định, HĐND Thành phố sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng cùng các sở, ngành của Thành phố để xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực du lịch, trong đó đặc biệt lưu ý, làm rõ những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, quy hoạch, nhân lực… để Đoàn giám sát tổng hợp gửi tới HĐND, UBND Thành phố.

Văn Thể

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ