A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội thực hiện giao dịch Văn phòng điện tử với chủ trương “5 rõ”

 

QPTĐ-Thực hiện Chỉ thị số 06 năm 2018, Hà Nội tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc điều hành công việc; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, gây phiền hà trong quá trình giải quyết công việc của người dân, nhất là các vấn đề được nhân dân quan tâm. Trong đó, Hà Nội tập trung đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương châm "5 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; đặc biệt thực hiện quản lý thông qua Văn phòng điện tử.

 

 

Bộ phận một cửa phường Đức Giang, quận Long Biên.

 

Chị Hà Kiều Anh ở Công ty TNHH VBP đến Sở Tài chính Hà Nội nộp báo cáo. Tại đây, chị được biết,  Hà Nội đang thực hiện giao dịch Văn phòng điện tử, với chủ trương “5 rõ”, vì vậy chỉ 2 phút, chị đã nộp xong báo cáo. Tuy nhiên điều mà chị thấy vui hơn là từ nay, báo cáo sẽ được nộp tại nhà thông qua cổng thông tin điện tử. Chị cho biết: “Hiện tại, tôi thấy làm thủ tục nhanh hơn, đa số đã được số hóa mà thường là nộp online trước rồi mới đi nộp bản cứng, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, khi mình không hiểu rõ vấn đề gì về thủ tục, nhân viên hướng dẫn cũng nhiệt tình, khác nhiều so với thủ tục rườm rà trước đây”.


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Trung tâm mua sắm tài sản công-Sở Tài chính Hà Nội là đơn vị quản lý vốn và mua sắm tập trung của Thành phố ứng dụng Văn phòng điện tử, qua đó, tiết kiệm ngân sách hàng chục tỷ đồng từ việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ngoài ra đây cũng là cơ sở để đánh giá cán bộ. Nếu trước, không ghi rõ giờ, phút thì nay đã ghi rõ tới từng giây. Trung tâm có những văn bản được phê lúc 2, 3 giờ sáng; hiện rõ ngay mốc thời gian xử lý và thời gian phải xử lý. Đến thời hạn, nếu không thấy xử lý thì máy báo đỏ, báo vàng, khi đó, công chức bị trừ điểm thi đua. 

 

Anh Đào Vũ Ngọc, cán bộ Văn thư, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Trước, trung bình mỗi tháng, Sở nhận trên 20 nghìn văn bản đi, đến, nhưng hiện tại, biên chế vẫn thế nhưng số văn bản tăng lên gấp 2 lần. Luồng văn bản của Sở Tài chính gồm các tổ chức, cá nhân gửi đến bằng đường bưu điện, hoặc gửi trực tiếp và luồng chủ yếu bây giờ là email công vụ của Thành phố. Việc gửi email công vụ nhanh, chính xác, thuận tiện, giảm chi phí, đi lại cho các tổ chức, cá nhân, còn nhân viên làm công tác văn thư cũng được giảm tải rất nhiều. Đặc biệt, việc phân luồng văn bản, theo nội dung và chuyên môn thời gian trước cần tới 7 bước, thậm chí có những văn bản khi được xử lý có thể lên đến 2 hoặc 3 ngày nhưng hiện nay, chỉ còn 1 phút và 1 cái kích chuột…


Thông qua việc thực hiện Văn phòng điện tử với chủ trương “5 rõ” không chỉ phục vụ tốt người dân mà lãnh đạo Sở cũng có thể kiểm tra, đánh giá năng lực cán bộ bằng cách, đầu vào là văn bản nhưng đầu ra là sản phẩm hiệu quả một cách khách quan, công tâm và minh bạch. Và rõ ràng, thông qua thực tiễn công việc, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cũng được tăng lên…


Có thể thấy, việc Hà Nội ứng dụng Văn phòng điện tử đã làm thay đổi cách quản lý theo phương châm “5 rõ” của lãnh đạo Hà Nội và người được hưởng lợi chính là người dân, doanh nghiệp. Đó cũng là cách quản lý và đánh giá cán bộ công chức, viên chức một cách khách quan nhất, góp phần để Thủ đô ngày một văn minh, thanh lịch.


Hiền Mĩ-Cao Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ