A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội-Trường Sa, trái tim luôn hòa chung nhịp đập

 

QPTĐ-Với tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa”, từ ngày 10 đến 20/4/2019, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, Đoàn công tác đã góp phần mang tình cảm chân thành, lòng tri ân của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đến với cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo của Trường Sa. 

 

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố, Trưởng đoàn công tác Trường Sa-

thành phố Hà Nội thăm các cháu thiếu nhi xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.   

 

Nhiều hoạt động thiết thực vì Trường Sa

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn công tác cho biết, Hà Nội là trái tim của cả nước, với tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, LLVT Thủ đô, chúng tôi luôn hiểu rằng, độc lập dân tộc có được giữ vững hay không là nhờ sự chung tay, góp sức của tất cả các địa phương, vùng, miền, đặc biệt là vùng biển trên quần đảo Trường Sa. Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đây là năm thứ 10, thành phố Hà Nội tổ chức đoàn công tác đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Năm nay, thành phố Hà Nội kỷ niệm tròn 20 năm được UNESCO công nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và tại chuyến đi này, thông điệp hòa bình được Đoàn công tác lan tỏa đến các điểm đảo thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa. Tại 10 đảo (5 đảo chìm gồm Đá Nam, Đá Thị, Đá Đông A, Đá lớn C, Cô Lin; 5 đảo nổi gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn) và Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần, chương trình, hoạt động của Đoàn được chuẩn bị chu đáo, khoa học, có kế thừa ưu điểm của  Đoàn công tác thành phố Hà Nội trước đây, đồng thời thêm nhiều điểm mới ý nghĩa, thiết thực. 

 

 

Đoàn công tác Trường Sa thành phố Hà Nội thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca.

 

Trong suốt lịch trình 10 ngày trên biển, Đoàn đã đến thăm, động viên và đã được tận mắt chứng kiến các điều kiện, hoàn cảnh sinh sống, luyện tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi cũng như điều kiện sinh hoạt của các hộ dân trên các điểm đảo. Đặc biệt, Đoàn dự Lễ cắt băng khánh thành công trình Nhà Văn hóa đa năng trên đảo Đá Thị, do thành phố Hà Nội đầu tư năm 2018 với số tiền trị giá 37 tỷ đồng; đồng thời, tổ chức Lễ khởi công công trình Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông A với số tiền đầu tư 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại các điểm đảo Đoàn đến thăm, Đoàn đã trao tặng 40 bồn đựng nước Sơn Hà (loại 1.000 lít) và 30 bồn nước Tân Á Đại Thành (Loại 2.000 lít) trị giá 310 triệu đồng; 5 máy lọc nước biển thành nước ngọt, kèm theo máy phát điện trị giá 4,2 tỷ đồng cùng nhiều quà tặng, sản vật truyền thống của các địa phương góp phần chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

 

 

Âu tàu tránh bão đảo Song Tử Tây.



Ngoài ra, Đoàn còn tham gia chào cờ, duyệt đội ngũ cùng với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo: Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây, biểu thị sức mạnh, ý chí kiên cường bám trụ nơi đảo xa, thắm tình đoàn kết quân dân giữa đất liền với đảo. Thiếu tá Lương Thái Dũng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Thông tin 610 (BTL Thủ đô Hà Nội) chia sẻ: “Là người lính, đã không biết bao lần tham gia những buổi chào cờ, nhưng được chào cờ ngay bên cột mốc chủ quyền và tham gia duyệt đội ngũ trong tiếng quân nhạc hùng tráng niềm kiêu hãnh và cảm xúc thiêng liêng trong tôi dâng trào khôn tả. Đây là một dấu ấn không bao giờ quên được trong cuộc đời của tôi”.


Giữa trùng khơi sóng gió, Đoàn công tác vui mừng gặp mặt, động viên, tặng quà cho hơn 50 người con Thủ đô đang công tác tại các đảo. Thượng sĩ Đinh Gia Bảo (phường Quỳnh Lưu, quận Hai Bà Trưng) nhân viên Báo vụ đảo Song Tử Tây tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được ra Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hôm nay, tôi rất vui khi Đoàn công tác Hà Nội tới thăm đảo, động viên cán bộ, chiến sĩ. Tình cảm và niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ là sức mạnh để tôi và đồng đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi mong muốn các bạn trẻ Hà Nội tiếp tục có trách nhiệm cao hơn để cùng chung sức giữ gìn biển đảo, Tổ quốc”.


Trong chuyến thăm lần này, Đoàn công tác thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ thả hoa tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại quần đảo Trường Sa và các chiến sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; Đoàn tổ chức dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn; Đài tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây; thực hiện nghi thức thả chim bồ câu vì hòa bình nhân kỷ niệm 10 năm thành phố Hà Nội ra thăm Trường Sa, 20 năm được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”; dâng hương tại Chùa Trường Sa lớn, Chùa Nam Huyên, Chùa Sơn Linh, Chùa Song Tử Tây; viếng mộ liệt sỹ trên đảo, thăm UBND, trường học, bệnh xá, các hộ dân, các đơn vị, lực lượng và tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với quân, dân trên đảo. Không chỉ thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn công tác còn thăm, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tàu ngầm 189, Tàu ngầm 182 Hà Nội; thăm, tặng quà Tàu kiểm ngư 470 đang thực hiện nhiệm vụ tại ngư trường phía Bắc quần đảo Trường Sa. Trên các điểm đảo và Nhà giàn, các thành viên Đoàn cùng với đội văn nghệ xung kích của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội vì Trường Sa thân yêu bằng những lời ca, những cái bắt tay, những cái ôm thân thiện, những giọt nước mắt, những nụ cười trong suốt chuyến hành trình không bao giờ quên.

 

Hiên ngang nơi đầu sóng


Đến Trường Sa, hình ảnh đáng nhớ và thân thương nhất với mỗi thành viên trong Đoàn khi đặt chân lên các đảo, có lẽ chính là vẻ đẹp của người lính hiên ngang bồng súng trên cột mốc chủ quyền, dưới lá cờ Tổ quốc lộng gió. Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió của các anh, nụ cười chưa bao giờ tắt. Đó thực sự là biểu tượng đẹp mà chúng tôi có thể cảm nhận được phần nào tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ cho biển, đảo thân thương, cho đất mẹ yên bình. Đồng chí Nguyễn Tiến Quý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quốc Oai chia sẻ: Tôi thấy cảm động khi đến với các đảo chìm. Đây là những đảo có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng, nhưng đều nằm trên nền san hô ngập nước. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội mặc dù rất chật chội, khó khăn nhưng họ luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Đồng chí Đại tá Nguyễn Đình Lưu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Phó Trưởng đoàn thường trực bày tỏ: Chuyến công tác đã giúp các thành viên trong đoàn cảm nhận sâu sắc về chủ quyền biển, đảo. Chúng tôi cảm phục, tự hào và có lòng tin vững chắc vào sự phấn đấu hy sinh không biết mệt mỏi, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, nơi đầu sóng, ngọn gió, vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Đồng thời, tự hào về thành tích của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng biển, đảo quê hương và xây dựng đất nước. 


Hữu Thu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ