A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mặt trận Hà Nội với nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô và bài học về xây dựng lực lượng

 

QPTĐ-Để chuẩn bị cho các đơn vị tiếp quản Thủ đô thắng lợi, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội, lực lượng vũ trang Thủ đô đã nhanh chóng phát triển lực lượng, củng cố tổ chức, tham gia giữ gìn trật tự, bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ sản xuất, làm nòng cốt trong đấu tranh chống mọi hành động phá hoại của địch. Bài học về xây dựng lực lượng phục vụ cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị đối với lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội hôm nay.

 

 

Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới ở Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.

 

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Thực dân Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi.

 

 

 

Xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đảm bảo “tinh, gọn, mạnh”.


Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày trước khi bàn giao cho ta. Từ chỗ ra sức củng cố, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, thực dân Pháp và ngụy quyền chuyển sang thực hiện âm mưu phá hoại Thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao. Chúng ra sức đập phá, di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu,... ra khỏi các nhà máy, gây tê liệt sản xuất; ngừng cung cấp điện, nước, biến Hà Nội trở thành thành phố xơ xác, rối loạn về trật tự, trị an và chính trị, làm cho cuộc sống của nhân dân Thủ đô gặp muôn vàn khó khăn. Bộ máy chiến tranh tâm lý của địch không ngớt xuyên tạc đường lối, chính sách của ta đối với công chức, trí thức, học sinh, sinh viên, tư sản, tiểu thương và nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Bằng mọi cách, chúng dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào, binh lính, công chức, nhất là nhân viên kỹ thuật ở Hà Nội di cư vào Nam.
Tiếp quản thành phố Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nơi đặt cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh xâm lược, nơi xây dựng bộ máy kìm kẹp hòng đè bẹp phong trào cách mạng kháng chiến yêu nước của nhân dân ta, đó là nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, vô cùng phức tạp, trong khi lực lượng vũ trang Thủ đô lúc này được thu gọn. Cơ quan Đoàn bộ của Mặt trận Hà Nội chỉ có 30 cán bộ, nhân viên. Vấn đề nổi lên là rất thiếu cán bộ chỉ đạo xây dựng phong trào, kể cả cán bộ thoát ly và cơ sở.

 

 

Tự vệ Thủ đô diễu hành trên đường phố Hà Nội.


Trước tình hình đó, đầu tháng 8 năm 1954, Thành ủy Hà Nội họp bàn, quyết định: Phải khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ mạnh mẽ và rộng khắp, cùng với công an giữ gìn trật tự, an ninh địa phương, bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài tiến vào tiếp quản Thủ đô, làm nòng cốt trong đấu tranh chống mọi hành động phá hoại của địch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động binh lính, tập trung điều tra nắm chắc tình hình địch, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, chỉ huy.


Để có đủ cán bộ chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ (LLTV), Thành ủy đã quyết định giải thể Đại đội 8-Đại đội chủ lực cơ động của Hà Nội, điều số cán bộ, chiến sĩ của đơn vị này cùng số cán bộ quân sự trước đây đã chuyển sang các ngành để xây dựng kinh tế, nay trở về xây dựng lực lượng ở cơ sở; đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng tăng cường cán bộ quân đội cho Mặt trận Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội còn mở lớp bồi dưỡng về nhiệm vụ, chính sách tiếp quản; cử cán bộ về thành phố Nam Định nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng LLTV và tiếp quản.


Lực lượng Quân báo được tăng cường. Ban chỉ huy Quân báo thống nhất được thành lập để phối hợp điều tra âm mưu, thủ đoạn của địch; tìm hiểu các công sở địch phải bàn giao cho ta, giúp Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh và Thành ủy đề ra chủ trương cho các ngành, các lực lượng từng bước bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch tiếp quản.


Ban Cán sự Đảng nội thành xác định trách nhiệm về xây dựng lực lượng tự vệ cho các cấp, các ngành, đồng thời tăng cường đảng viên, đoàn viên, quần chúng trung kiên vào lãnh đạo, chỉ huy lực lượng tự vệ. Hướng trọng tâm xây dựng lực lượng tự vệ nhằm vào các nhà máy, xí nghiệp quan trọng, trực tiếp đảm bảo cho hoạt động của Thành phố như Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy nước Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà Bưu điện, Sở Hỏa xa...

 

Dựa trên cơ sở của tổ chức Công đoàn, Đoàn công tác xây dựng tự vệ có trách nhiệm chọn những quần chúng tốt để phát triển tổ chức tự vệ. Ở các cửa ô, xóm lao động, việc xây dựng tự vệ đường phố cũng được xúc tiến khẩn trương.


Thực hiện chủ trương trên, cán bộ, chiến sĩ ở nội thành không quản ngại khó khăn, gian khổ, về các nhà máy, xí nghiệp, xuống các tổ, đội sản xuất, các phố phường, xóm lao động, đi vào mọi nhà dân, tiếp xúc với mọi tầng lớp: Công nhân, trí thức, buôn bán và làm nghề tự do, thậm chí cả hàng ngũ cai ký, quản đốc, kỹ sư và nhân viên công chức của chính quyền cũ. Qua đó, tìm hiểu, phân loại quần chúng, đối tượng, đề ra biện pháp tuyên truyền, giác ngộ phù hợp. Trong thời gian ngắn, Hà Nội đã xây dựng được 20 đội tự vệ với 934 đội viên thuộc 5 nhà máy, xí nghiệp, 3 công sở, 2 nhà ga, bến cảng, 2 bệnh viện và 8 khu phố lao động ở các cửa ô.


Ở ngoại thành, Thành ủy chủ trương đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng, lấy ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản nội thành. Thực hiện nhiệm vụ trên, Thành ủy quyết định thành lập Ban Cán sự ngoại thành trên cơ sở hợp nhất Ban Cán sự phía Bắc và phía Nam; đồng thời, tiếp nhận hơn 100 cán bộ quân đội được trên tăng cường cho các xã ngoại thành để xây dựng phong trào tự vệ. Ban Cán sự Đảng đưa cán bộ, đảng viên trước đây bị bật ra ngoài, nhanh chóng trở về địa phương, cùng cán bộ tại chỗ và cán bộ tăng cường tỏa về từng thôn, xóm, dựa vào các gia đình cơ sở để tiến hành giáo dục, phát động nhân dân, xây dựng lực lượng tự vệ, làm nòng cốt giữ gìn an ninh chính trị địa phương, bảo vệ mùa màng, phối hợp với các lực lượng chuẩn bị địa bàn để tiếp quản Thủ đô.

 

Tính đến ngày tiếp quản Thủ đô, ở ngoại thành, nhiều nơi thành lập “Ban ủy nhiệm thôn” để điều hành công việc chung, Phó thôn phụ trách quân sự. Lực lượng tự vệ (LLTV) được tổ chức ở 110 trong số 136 thôn với gần 2 nghìn đội viên đều là nam, nữ thanh niên, trẻ, khỏe, được giác ngộ, có ý chí quyết tâm, hầu hết là con em nông dân lao động. Vì thế, các thôn, xóm ngoại thành đã trở thành địa bàn vững chắc, làm bàn đạp để các đơn vị Quân đội tiến vào tiếp quản, giải phóng Thủ đô.


Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, LLTV Thủ đô đã sớm được khôi phục và phát triển với tốc độ nhanh, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, đủ khả năng là nòng cốt đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Ngày 10-10-1954, cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Hà Nội làm nhiệm vụ dẫn đường, bảo vệ an toàn các tuyến đường cho bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô an toàn, nhanh gọn.


Kế thừa truyền thống vẻ vang, tiếp thu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm trong công tác xây dựng lực lượng, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội được xây dựng vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đối với lực lượng thường trực, xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đảm bảo “tinh, gọn, mạnh”. Tổ chức đột phá kết hợp huấn luyện với thực hiện nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô. Chú trọng huấn luyện, diễn tập bảo đảm cho bộ đội chủ lực đạt đến trình độ tinh nhuệ về chính trị và chuyên môn quân sự, có khả năng phối hợp tác chiến hiệu quả trong địa bàn Thành phố. Đồng thời, xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

 

Về lực lượng dân quân tự vệ, tiếp tục xây dựng “vững mạnh, rộng khắp” theo Luật Dân quân tự vệ và Kế hoạch xây dựng Lực lượng dân quân tự vệ của Thành phố giai đoạn 2016-2020, bảo đảm có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao; chú trọng đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đẩy mạnh huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng phối hợp hoạt động trong khu vực phòng thủ, nhất là phối hợp với các lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống cháy, nổ, tìm kiếm, cứu nạn. Đối với lực lượng dự bị động viên, tập trung xây dựng vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa đăng ký, quản lý con người, phương tiện với tổ chức huấn luyện, diễn tập đầy đủ theo quy định; chú trọng kiểm tra nắm chắc biến động để có biện pháp động viên, huy động, mở rộng lực lượng, phương tiện của nền kinh tế bổ sung cho các đơn vị thường trực khi cần thiết.


Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày 10-10-1954 nhưng không khí hào hùng ngập tràn niềm vui, rực rỡ cờ hoa của Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn nguyên trong ký ức của đồng bào cả nước, nhất là quân, dân Hà Nội. Bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng lực lượng đã, đang được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ